Thứ hai, 25/11/2024 13:48 GMT+7
Thứ tư, 12/06/2013 11:34 GMT+7

Thực thi quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam- Pháp luật và thực tiễn

   I. GIỚI THIỆU CHUNG

Trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ("SHTT"). Đây là kết quả của quá trình cải cách liên tục nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật về bảo hộ, thực thi quyền SHTT của Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế với mục tiêu là cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc bổ sung các quy định của pháp luật về SHTT và tăng cường hệ thống thực thi quyền tương ứng là điều kiện để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới ("WTO"). Trên thực tế, các chế định không thích hợp trước đây của Việt Nam về bảo hộ, thực thi quyền SHTT là một trong những rào cản lớn nhất của Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO và hiện tại vẫn là đối tượng chịu nhiều sức ép từ phía các tổ chức quốc tế, theo đó yêu cầu phía Việt Nam phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hệ thống bảo hộ và thực thi quyền SHTT của mình.

Trong khoảng thời gian trước khi gia nhập WTO, chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi toàn diện về hệ thống pháp luật SHTT nhằm đưa ra một khung pháp lý đầy đủ về bảo hộ, thực thi quyền SHTT phù hợp với các quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT ("TRIPs"). Mặt khác, Việt Nam cũng thừa nhận vai trò quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT trong việc phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phát minh phục vụ phát triển kinh tế. Việc Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực trong đó bảo hộ quyền SHTT là một phần quan trọng trong các cam kết thành viên cũng là một nhân tố thúc đẩy Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống về bảo hộ và thực thi quyền SHTT.

Từ giữa những năm 1990, Việt Nam đã liên tục sửa đổi và bổ sung các quy định về bảo hộ quyền SHTT cũng như các biện pháp chế tài để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hơn nữa cơ chế bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến các đối tượng của quyền SHTT nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan cho phù hợp với những thay đổi và phát triển liên quan đến các tranh chấp và xung đột về sở hữu trí tuệ giữa các công cụ nhận diện thương mại là là các đối tượng của quyền SHCN.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và thực thi QSHCN là hai khâu có liên quan chặt chẽ với nhau trong quá trình bảo vệ QSHCN. Tuy nhiên đây là hai khái niệm có nội hàm khác nhau. Bảo hộ QSHCN được hiểu là việc nhà nước bằng những quy định của pháp luật, xác lập QSHCN, xác định những hành vi bị coi là xâm phạm QSHCN và quy định những biện pháp xử lý những hành vi vi phạm đó. Thực thi QSHCN là việc thực hiện pháp luật về SHCN thông qua sự bắt buộc các chủ thể phải hoàn toàn tuân thủ, chấp hành pháp luật dù muốn hay không muốn. Nói tới thực thi QSHCN là nói đến trình tự, thủ tục mà các chủ thể phải tuân theo, cũng như các biện pháp xử lý, các chế tài do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng khi có hành vi vi phạm.

Để giới thiệu pháp luật và thực tiễn về thực thi quyền SHCN ở Việt Nam, chuyên đề này sẽ đi vào rà soát, giới thiệu và phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh bằng biện pháp hành chính. Đây là 4 đối tượng của quyền SHCN cần được lý giải để làm rõ trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

 

     II. HỆ THỐNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO HỘ VÀ THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

      1. Khung pháp lý chung về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp

      1.1. Luật quốc gia

Hệ thống pháp luật quốc gia của Việt Nam về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ được quy định ở trong các văn bản pháp luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự (phần sở hữu trí tuệ); Bộ luật Hình sự (phần sở hữu trí tuệ), Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh; Luật Thương mại; Luật Doanh nghiệp; Luật Công nghệ Thông tin...và các văn bản hướng dẫn các luật trên.

     1.2. Luật quốc tế

Cùng với quy định của pháp luật quốc gia, các điều ước quốc tế đa phương, song phương và khu vực là một nguồn luật không thể thiếu khi xem xét việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Vì vậy, trong hoạt động thực thi và bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan có thẩm quyền phải viện dẫn đến các công ước quốc tế sau đây về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên như: Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883; Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs); Các điều ước quốc tế song phương và khu vực khác:

-          Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ;

-          Kế hoạch của Cộng đồng kinh tế Asean (Asean Economy Community Blueprint);

-          Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Asean - Nhật Bản;

-          Hiệp định phi thương mại Asean - New Zealand - Australia (phần sở hữu trí tuệ);

-          Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ;

-         Hiệp định hợp tác khoa học giữa Việt Nam - Hoa Kỳ (phần SHTT);

-          Hiệp định Việt Nam - Thụy Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ;

-          Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (phần sở hữu trí tuệ).

       2. Các quy định cụ thể về bảo hộ và thực thi một số đối tượng của quyền SHCN tại Việt Nam

      2.1. Đối với nhãn hiệu

     Quy định về bảo hộ đối với nhãn hiệu

      Nhãn hiệu, theo nghĩa chung nhất, được hiểu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau[1]. Tại Việt Nam, một dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu nếu chúng đáp ứng các quy định về điều kiện bảo hộ được quy định tại Điều 72 Luật SHTT, theo đó, nhãn hiệu (i) phải là các dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; và (ii) các dấu hiệu này phải có khả năng phân biệt. Để cụ thể hóa điều khoản này, Luật SHTT có đưa ra tại Điều 73 quy định chi tiết về các dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu và Điều 74 phân tích về các trường hợp theo đó nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt.Nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước Paris, Việt Nam cũng giới thiệu trong hệ thống pháp luật của mình các chế định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật SHTT.

Trong mối quan hệ giữa nhãn hiệu với chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, Luật SHTT có quy định là các dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu[2]. Ngoài ra, luật cũng loại trừ việc bảo hộ nhãn hiệu cho các dấu hiệu "chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ"[3] vì các dấu hiệu này bị coi là không có khả năng phân biệt. Tuy nhiên, một ngoại lệ cho việc đăng ký các dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý là các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận. Thêm vào đó, để bảo hộ toàn diện đối tượng chỉ dẫn địa lý, Luật SHTT định nghĩa "các dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ" sẽ không được bảo hộ là nhãn hiệu nếu việc sử dụng dấu hiệu này có thể làm người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa[4]. Phạm vi bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý còn được mở rộng hơn nữa khi luật pháp Việt Nam không chấp nhận cho đăng ký "các dấu hiệu trùng, có chứa hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó"[5].

Trong mỗi quan hệ với tên thương mại, Luật SHTT ngăn chặn việc đăng ký là nhãn hiệu các dấu hiệu "trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại đang được sử dụng của người khác" nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ[6].

Quy định về  hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Khi nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu[7]:

(i) sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đã được đăng ký theo nhãn hiệu; hoặc

(ii) sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng định nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Một lưu ý khi xác định hành vi vi phạm trong trường hợp (i) nêu trên là đối với các vụ việc xâm phạm về nhãn hiệu liên quan đến yếu tố dấu hiệu tương tự hoặc cho các hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc có liên quan, bên thực thi quyền cần cung cấp thêm chứng cứ, tài liệu và lập luận rằng việc sử dụng các dấu hiệu trong trường hợp này có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, khi xem xét "hành vi sử dụng nhãn hiệu" bị coi là xâm phạm quyền, Điều 124.5 Luật SHTT cũng có quy định sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

(i) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; hoặc

(ii) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ; hoặc

(iii) Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

Khi xem xét vấn đề xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng, luật của Việt Nam quy định xử phạt hành chính đối với cả hành vi trực tiếp và gián tiếp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Cụ thể là, tổ chức và cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm nhãn hiệu sau đây vì mục đích kinh doanh, tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm (ví dụ như quy mô và giá trị hàng hóa, dịch vụ bị xâm phạm) sẽ bị áp dụng các mức xử phạt hành chính khác nhau[8]:

(i) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu;

(ii) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi nêu tại mục (i) nêu trên

Luật cũng phân biệt rõ một số hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sau đây sẽ bị áp dụng mức xử phạt hành chính cao do tính chất của hành vi xâm phạm. Cụ thể là[9]:

(i) Sản xuất, bao gồm việc thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu;

(ii) Gắn, bao gồm in, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu;

 (iii) Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; hoặc

(iiii) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện các hành vi nêu tại mục (i), (ii) và (iii) của đoạn này.

Một điểm cần lưu ý khác khi xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là mặc dù luật SHTT không quy định "xuất khẩu" là hành vi xâm phạm quyền, chủ thể quyền vẫn có thể vận dụng các điều khoản khác quy định về hành vi xâm phạm nhãn hiệu để gián tiếp xử lý hành vi xâm phạm này như "sản xuất, bán; chào hàng; vận chuyển; tàng trữ; trưng bày; lưu thông, gắn, đặt hàng, giao việc thuê người khác thực hiện các công việc nêu trên nếu chứng minh sản phẩm, hàng hóa có tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

         2.2. Đối với tên thương mại

   Quy định về bảo hộ tên thương mại

Tên thương mại được định nghĩa theo quy định của luật Việt Nam là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh[10]. Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Luật SHTT có đưa ra tại Điều 77 quy định.

Trong mối quan hệ giữa tên thương mại với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, pháp luật quy định tên thương mại sẽ không được bảo hộ nếu nó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Ngoài luật SHTT, tên thương mại còn được điều chỉnh bởi các quy định của Luật doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp không được phép đặt tên trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã được đăng ký trong phạm vi toàn quốc[11].

Luật doanh nghiệp cũng không cho phép doanh nghiệp sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ. Trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên[12].

        Quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại

Điều 129.2 Luật SHTT quy định mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Mặc dù không có quy định dẫn chiếu trực tiếp, chỉ dẫn thương mại có thể được hiểu là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa[13].

Việc xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương  mại được quy định tương tự như hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được giới thiệu ở Mục 3.2 nêu trên. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý trong việc xử lý hành chính đối với hành vi "sử dụng tên thương mại xâm phạm quyền sở công nghiệp của chủ thể khác” là ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, để xử lý triệt để hành vi xâm phạm, cơ quan thực thi quyền có quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc thu hồi tên doanh nghiệp chứa yếu tố vi phạm[14]. Tuy nhiên, giá trị thực thi của điều khoản này vẫn còn là vấn đề phải tiếp tục bàn bạc và xây dựng vì việc đăng ký và thu hồi tên doanh nghiệp sẽ thuộc quyền quản lý của Sở kế hoạch và đầu tư hoặc Ủy ban Nhân dân trong khi đó cơ quan xử phạt hành chính có quyền ra quyết định thu hồi tên doanh nghiệp chứa yếu tố vi phạm lại là cơ quan thuộc bộ khác với Bộ Kế hoạch Đầu tư (cơ quan chủ quản của Sở kế hoạch đầu tư). Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được một cơ chế phối hợp thống nhất và đồng bộ giữa các cơ quan thực thi và quản lý liên quan để đảm bảo giá trị hiệu lực của quy định tại Điều 15.d Nghị định 97.

Ngoài ra, trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp đăng ký tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, chủ sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Chủ sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh các tài liệu theo quy định tại Điều 17 Nghị định 43/2010/NĐ-CP.

Về mặt thủ tục, Cơ quan đăng ký kinh doanh, trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại của chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp, ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp xâm phạm đổi tên doanh nghiệp và làm thủ tục thay đổi tên trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày ra Thông báo. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo quy định này, có thể hiểu vụ việc có thể được tiếp tục xử lý theo thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định 97. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có cơ chế phối hợp theo đó Sở kế hoạch Đầu tư sẽ thi hành quyết định thu hồi tên doanh nghiệp do các cơ quan thực thi được quy định tại Điều 15 Nghị định 97 ban hành.

       2.3.  Đối với chỉ dẫn địa lý

      Quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý

      Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ đẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây[15]:

(i) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

(ii) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Ngoài ra, luật cũng quy định các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

 (i) Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;

 (ii) Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

 (iii) Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;

 (iv) Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Một điểm cần lưu ý trong quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam là quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý thuộc về nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó[16].

          Quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý

          Luật SHTT quy định các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

 (i) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

(ii) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;

 (iii) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;

 (iv) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.

Việc xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương  mại được quy định tương tự như hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được giới thiệu ở Mục 3.2 nêu trên.

         2.4.Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền SHCN

 Quy định về bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được bảo hộ tại Việt Nam dưới hình thức là quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh[17].

Điều 130 Luật SHTT quy định các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

(i) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;

(ii) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;

 (iii) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

 (iv) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Ngoài quy định tại Điều 130 Luật SHTT, Luật Thương mại cũng có điều khoản quy định 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh sau[18]:

(i) Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;

(ii)  Xâm phạm bí mật kinh doanh;

(iii) Ép buộc trong kinh doanh;

(iv)  Gièm pha doanh nghiệp khác;

(v) Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;

(vi) Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

(vii) Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

(viii) Phân biệt đối xử của hiệp hội;

(ix) Bán hàng đa cấp bất chính;

(x)  Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật cạnh tranh[19].

Trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Điều 39 Luật cạnh tranh nêu trên, có các hành vi "chỉ dẫn gây nhầm lẫn", "xâm phạm bí mật kinh doanh" và có thể là "các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo quy định tại Điều 3.4 Luật cạnh tranh" có thể, trong  một chừng mực nào đó, tương tự với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 130 Luật SHTT. Các hành vi khác được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thương mại nói chung. Vì vậy, thực tiễn xem xét hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần lưu ý phân biệt hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hai lĩnh vực này vì nội dung này sẽ ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết của các cơ quan thực thi khi thụ lý hồ sơ liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh. Trong phạm vi đề tài này, tác giả chỉ đi vào phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.     

         Quy định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật SHTT và Luật cạnh tranh, về cơ bản có thể phân thành hai nhóm khi xem xét vấn đề thực thi quyền, đó là (i) hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn và xâm phạm bí mật kinh doanh; (ii) hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền. Theo đó, thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được xác định như sau:

- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn và xâm phạm bí mật kinh doanh sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của (i) Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ; (ii) Ủy ban Nhân dân các cấp; (iii) Cục quản lý cạnh tranh; và (iv) Hải quan. Khi xử lý nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh này, các cơ quan thực thi có thể lựa chọn trình tự, thủ tục và biện pháp xử lý theo quy định tại Luật SHTT và Nghị định 97 hoặc thủ tục tố tụng cạnh tranh của Luật Cạnh tranh và Nghị định 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh (đang soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định này).

- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của (i) Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ; (ii) Ủy ban Nhân dân các cấp; và (iii) Cơ quan Thanh tra Thông tin và Truyền thông. Khi xử lý nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh này, các cơ quan thực thi tuân theo quy định về trình tự, thủ tục và biện pháp xử lý theo quy định tại Luật SHTT và Nghị định 97, có viện dẫn đến quy định về xử lý tên miền quốc gia ".vn" có tranh chấp theo quy định tại Quyết định 73/QĐ-VNNIC ngày 17/03/2010 của Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam.

Trong thực tiễn xử lý hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền là mặc dù có quy định rõ ràng tại Nghị định 97 về thẩm quyền của Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ hoặc Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử lý hành vi vi phạm này, việc thực thi quyết định thu hồi tên miền của hai cơ quan thực thi này cần nhận được sự hỗ trợ và đồng thuận từ phía Trung tâm Internet Việt Nam (cơ quan quản lý và đăng ký tên miền cho rằng quy định này xung đột với quy định của Luật Công nghệ thông tin)[20]. Vì vậy, rất cần thiết phải thống nhất với Trung tâm Internet Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thi hành các quyết định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.

 

         III. TÌNH HÌNH THỰC THI QUYỀN SHCN BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH TẠI CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

         1. Đánh giá chung

           Theo quy định của Luật SHTT, hiện nay Việt Nam có bốn biện pháp đảm bảo thực thi quyền SHTT, đó là: Biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, biện pháp hình sự và biện pháp kiểm soát tại biên giới. Về cơ bản, cả bốn biện pháp này đều đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Tuy nhiên trong thực tế, biện pháp hành chính dường như được sử dụng phổ biến hơn cả. Điều đó được lý giải bởi ưu thế thủ tục đơn giản, xử lý nhanh chóng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chủ thể quyền SHTT, đảm bảo không chỉ có tác dụng ngăn chặn, mà còn có tác dụng phòng ngừa, răn đe qua việc trừng phạt đối với hành vi xâm phạm quyền. Thực tế, các cơ quan có thẩm quyền hoặc là chưa sử dụng quyền hạn của mình trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT hoặc là còn e ngại, chưa kiên quyết xử lý hoặc chưa xử lý triệt để đối với hành vi xâm phạm. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực của hệ thống thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.

Xâm phạm QSHCN tại Việt Nam hiện nay đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt của người sản xuất, buôn bán, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của toàn xã hội. Thời gian gần đây, xâm phạm QSHCN vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, các hành vi xâm phạm QSHCN đồng thời diễn ra ở các công đoạn như sản xuất, buôn bán, lưu thông, xuất, nhập khẩu và liên quan tới nhiều thành phần kinh tế như tư nhân, nhà nước, liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, các hành vi xâm phạm QSHCN còn diễn ra ở hầu hết các đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Trên thị trường thì hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền ngày càng nhiều và khó phân biệt, đặc biệt những nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh hay nhóm hàng hóa phục vụ tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm...Việc xâm phạm QSHCN còn xuất hiện ở nhóm hàng hóa có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép xây dựng, thực phẩm, đồ uống...hiện tượng sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại của người khác để đăng ký thành tên doanh nghiệp, tên miền ; sử dụng chỉ dẫn thương mại của sản phẩm, dịch vụ được nhiều người biết đến rộng rãi, có uy tín để cạnh tranh không lành mạnh còn nhiều. Trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ QSHCN thì tính chất, mức độ vi phạm QSHCN diễn ra ngày càng phức tạp. Có thể thấy điều đó qua số liệu vi phạm bị phát hiện xử lý dưới đây.

          2. Số liệu xử lý vi phạm quyền SHCN của các cơ quan có thẩm quyền trong những năm gần đây

         2.1. Cơ quan Thanh tra chuyên ngành KH&CN   

- Năm 2006 - 2008, Cơ quan thanh tra KH&CN đã tiến hành thanh tra 3.574 cơ sở, phát hiện và xử lý 459 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đã xử phạt cảnh cáo 152 cơ sở, phạt tiền 307 cơ sở với số tiền 1.847.988.200 đồng, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hoá.[21]

- Năm 2009, Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành thanh tra 61 vụ, đã xử lý 38 vụ xâm phạm về nhãn hiệu, 02 vụ xâm phạm về kiểu dáng và 05 vụ xâm phạm giải pháp hữu ích, đã xử phạt cảnh cáo 01 vụ, phạt tiền 45 vụ với tổng số tiền phạt 697.356.000 đồng và xử lý 156.426 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

 Theo số liệu tổng hợp được từ 55 báo cáo của Sở KH&CN các tỉnh/thành phố năm 2009, các Sở KH&CN đã tiến hành thanh tra 7453 cơ sở, đã xử lý 1.012 cơ sở vi phạm hành chính bằng các hình thức: cảnh cáo 146 cơ sở, phạt tiền 866 cơ sở với số tiền 3.175.469.500 đồng, tịch thu, xử lý và tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm hành chính.[22]

        - Năm 2012, Thanh tra Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 69 cơ sở, đã phát hiện và xử phạt 36 trường hợp có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với số tiền 859.000.000 đồng. Thanh tra KH&CN đã buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên 25.703 sản phẩm, buộc tiêu hủy và tịch thu tiêu hủy 7.462 sản phẩm chứa đựng các dấu hiệu xâm phạm quyền SHCN theo quy định của pháp luật. Riêng Thanh tra Bộ KH&CN tiến hành 38 cuộc thanh tra trong lĩnh vực này, đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới 831 triệu đồng và đã thực thu về được cho ngân sách. Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường xử lý 01 trường hợp và với lực lượng cảnh sát điều tra xử lý 36 trường hợp.

         2.3. Cơ quan Quản lý thị trường

- Năm 2008, Cơ quan Quản lý thị trường đã thụ lý 2.697 vụ (415 vụ xâm phạm KDCN, 2.268 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 7 vụ xâm phạm CDDL, 3 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh), trong đó xử lý 2.506 vụ (389 vụ xâm phạm KDCN, 2.105 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 6 vụ xâm phạm CDDL, 2 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh) với tổng số tiền phạt lên tới hơn 7.000.000.000 đồng (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2008 của Cục SHTT).[23]

- Năm 2009, Cơ quan Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Y tế… đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn, nhiều vụ bị phát hiện tại Hải Phòng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Tại TP.Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 201 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Đồng Nai, Cà Mau, Hải Dương cũng là những địa phương có số vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý khá cao, chủ yếu liên quan đến nhãn hiệu (tại Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 186 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt trên 704 triệu đồng; tại Đồng Nai, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 106 vụ xâm phạm nhãn hiệu, xử lý 76 vụ với số tiền phạt hơn 191 triệu đồng...) (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2009 của Cục SHTT).

- Năm 2012, Cơ quan quản lý thị trường các địa phương và trung ương đã tiến hành xử lý 9556 vụ việc xâm phạm quyền SHTT, trong đó có 61 vụ xâm phạm quyền tác giả/quyền liên quan, 8999 vụ giả mạo nhãn hiệu, 67 vụ xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại,  kiểu dáng công nghiệp, 422 vụ sử dụng tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả mạo và 07 vụ vi phạm giống cây trồng. Tổng số tiền xử phạt 5,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm bị phát hiện và xử lý là 3,8 tỷ đồng.

         2.4. Cơ quan Hải quan

- Năm 2006 -2008, Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý trên 53 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến SHTT. Cơ quan Hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và xử lý 31 trường hợp, trong đó hầu hết là các trường hợp được xác định là có giả mạo về SHTT (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi xách...). Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng (Theo báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

- Năm 2009, Cơ quan Hải quan trong tập trung nhiều vào công tác chống hàng giả, đã xử lý nhiều vụ xâm phạm nhãn hiệu, tịch thu và tiêu hủy số lượng lớn hàng giả[24], số tiền phạt hành chính gần 2 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan đã tham gia với hải quan các nước trong khu vực (Thái Lan, Cambodia, Lào, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc) triển khai chuyên án Storm (2009-2011) do Tổ chức Y tế thế giới kết hợp với Interpol chủ trì với mục đích là đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán và vận chuyển các loại thuốc giả trong khu vực. Lực lượng hải quan đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với đại diện một số doanh nghiệp (Puma, Tyco...) để thảo luận xây dựng những biện pháp phối hợp đấu tranh chống hàng giả.

- Năm 2012, Cơ quan Hải quan cũng đã tiếp nhận và xử lý gần 100 yêu cầu của các chủ thể quyền SHTT đề nghị kiểm tra, giám sát tại biên giới. Tính đến thời điểm năm 2012 ngành hải quan có tất cả 106 đơn yêu cầu bảo vệ quyền SHTT tại biên giới với khoảng gần 300 nhãn hiệu hàng hóa các loại. Cơ quan Hải quan đã xử lý 101 vụ, xử phạt với số tiền khoảng 300 triệu đồng, đồng thời đã tịch thu xử lý hàng chục ngàn sản phẩm vi phạm các loại (như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, điện thoại di động… xâm phạm các các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam).

         2.5. Cơ quan Công an

- Năm 2006 -2009, Cơ quan cảnh sát điều tra về trật tự và quản lý kinh tế chức vụ thuộc Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 76 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tân dược, và chỉ đạo Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế địa phương tập trung đấu tranh các đối tượng chuyên sản xuất hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra lực lượng cảnh sát còn phối hợp với các cơ quan thực thi kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, đối với các cơ sở xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền phần mềm, tiêu hủy hàng hóa xâm phạm (Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

            - Lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 156 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hoá giả mạo SHTT như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, linh kiện. Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn bán thuốc giả Viagra và Cialis từ Trung Quốc vào Việt Nam, với tang vật thu giữ là 13.600 viên thuốc giả, đã khởi tố 02 đối tượng; vụ thu giữ 85 tấn phân NPK giả do Công ty Tân Trường Sinh (Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, vụ việc đã được khởi tố và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), riêng năm 2012 lực lượng cảnh sát kinh tế của 44 tỉnh/thành phố đã phát hiện 276 vụ xâm phạm quyền SHTT, sản xuất buôn bán hàng giả, trong đó đã khởi tố 66 vụ, 74 bị can (có 26 vụ xâm phạm nhãn hiệu), phạt tiền hơn 2,4 tỷ đồng. So với năm 2011, số vụ phát hiện đã tăng 107 vụ, số vụ khởi tố tăng 48 vụ (năm 2011, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phạt hiện 169 vụ xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả, 214 đối tượng, trong đó đã khởi tố 18 vụ, 30 bị can).

         KẾT LUẬN

        Trên đây là một số thông tin về pháp luật Việt Nam hiện hành trong vấn đề bảo hộ và thực thi quyền SHCN đối với một số đối tượng của quyền SHCN. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra một số vấn đề cần được quan tâm trong quá trình xử lý là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền.

        Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHCN, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp, cũng như trước các yêu cầu cấp thiết khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế của mình.

 

 

 


[1] Điều 4.16 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005.

[2] Điều 73.5 Luật SHTT.

[3] Điều 74.2đ Luật SHTT.

[4] Điều 74.2.l Luật SHTT.

[5] Điều 74.2.m Luật SHTT.

[6] Điều 74.2.l Luật SHTT.

[7] Điều 129 Luật SHTT.

[8] Điều 11.1 Nghị định 97/NĐ-CP

[9] Điều 11.11 Nghị định 97/NĐ-CP

[10] Điều 4.21 Luật SHTT: Khu vực kinh doanh được hiểu là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

[11] Điều 32 Luật Doanh nghiệp và Điều 14 Nghị định 43/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh.

[12] Điều 17 Nghị định 43/NĐ-CP

[13] Điều 130.2 Luật SHTT.

[14] Điều 15.d Nghị định 97/NĐ-CP

[15] Điều 79 Luật SHTT

[16] Điều 88 Luật SHTT.

[17] Điều 6.3d Luật SHTT

[18] Điều 39 Luật Cạnh tranh

[19] Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

[20] Điều 76 Luật Công nghệ thông tin quy định tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:

1. Thông qua thương lượng, hòa giải;

2. Thông qua trọng tài;

3. Khởi kiện tại Tòa án.

Vì vậy, Trung tâm Internet Việt Nam có ý kiến chưa thừa nhận quy định tại Nghị định 97 trong đó hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền sẽ được xử lý theo thủ tục hành chính.

[21] Điển hình năm 2008, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Cửa hàng Thương mại Dịch vụ Thời trang Hàng Đào với mức phạt 183.360.000 đồng vì đã có hành vi buôn bán quần áo là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu  “LACOSTE” và nhãn hiệu “Hình cá sấu”(Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

[22] Điển hình là Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đã phát hiện 20 cơ sở (đã xử phạt cảnh cáo và buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm trên 530 sản phẩm...); Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã xử lý 06 cơ sở.

 

[23] Cuối năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3813/QĐ-UBND xử phạt Công ty TNHH Duy Thịnh với mức phạt 329.073.800 đồng vì đã có hành vi sản xuất (lắp ráp) sản phẩm xe máy xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp xe máy của Công ty Honda (Nhật Bản).

[24] 3.756 linh kiện điện thoại mang nhãn hiệu Nokia, 800 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, 7.729 lọ mỹ phẩm các loại, 3.940 chai dầu nhớt các loại mang nhãn hiệu Vistra, Castrol, Honda; 93.820 bao thuốc lá các loại mang nhãn hiệu Vinataba, 555, White horse...

 

Lượt xem: 22662

Nguồn: Phạm Văn Toàn, Thanh tra Bộ KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:22107
Lượt truy cập: 46338543