Thứ hai, 25/11/2024 10:24 GMT+7
Thứ ba, 16/07/2013 11:29 GMT+7

Pháp luật về hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song ở một số nước thuộc hiệp hội các nước đông nam á

1. Khái quát chung về hết quyền SHTT và nhập khẩu song song

 

Hết quyền SHTT (SHTT) là khái niệm bắt nguồn từ thuyết hết quyền.[1] Thuyết này xác định giới hạn cho quyền SHTT mang tính độc quyền và cân bằng giữa bảo hộ quyền SHTT với đảm bảo sự lưu thông của thị trường cũng như duy trì cạnh tranh lành mạnh; cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền SHTT với lợi ích của người tiêu dùng. Theo thuyết hết quyền, khi sản phẩm mang đối tượng SHTT được đưa ra thị trường bởi chính chủ thể nắm giữ quyền SHTT hoặc với sự đồng ý của chủ thể này, chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm. Ví dụ: Sau khi bán một chai nước có ga mang nhãn hiệu Coca-Cola, quyền sở hữu trí tuệ của hãng Coca-Cola đối với chai nước này không còn nữa. Có nghĩa là: Công ty không có quyền ngăn cản khách hàng uống nước, tặng hay bán sản phẩm này cho người khác. Tuy nhiên, người mua đồ uống Coca-Cola không thể sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng Coca-Cola cho đồ uống mà họ sản xuất hay chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu này cho người khác.

 

Nhập khẩu song song[2] là việc nhập khẩu những hàng hóa chính hiệu (genuine goods) đã được chính chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác đưa ra thị trường nước ngoài với sự đồng ý của chủ sở hữu. Việc kinh doanh này diễn ra song song với các kênh phân phối được uỷ quyền. Thương mại song song có những đặc điểm sau đây: (i) đây là một hiện tượng kinh tế; (ii) hiện tượng này xảy ra đối với tất cả các loại hàng hoá; (iii) hàng hoá chính hiệu được đưa ra thị trường nước ngoài bởi chính chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác được chủ sở hữu cho phép; (iv) chủ thể nắm giữ quyền SHTT ở nước xuất khẩu và ở nước nhập khẩu là một hoặc là những chủ thể khác nhau nhưng có mối quan hệ pháp lý và/hoặc kinh tế với nhau; (v) trong hoạt động này có hai nhà kinh doanh, đó là nhà kinh doanh được uỷ quyền và nhà kinh doanh không được uỷ quyền; (vi) hoạt động này có thể xảy ra giữa hai nước trở lên. Nguyên nhân kinh tế của thương mại song song là sự khác biệt về giá giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu hàng hoá. Hàng hóa trong thương mại song song bao giờ cũng được chuyển từ nước có giá bán sản phẩm thấp đến nước có giá bán sản phẩm cao. Nhà kinh doanh trong trường hợp này có thể thu được lợi nhuận bằng cách xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá song song với các kênh chính thức.

 

 Thuyết hết quyền là cơ sở pháp lý cho thương mại song song nói chung và nhập khẩu song song nói riêng. Nhập khẩu song song có được thừa nhận hay không phụ thuộc vào cơ chế hết quyền mà nước nhập khẩu áp dụng. Trường hợp 1: Nếu nước nhập khẩu áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia (the national exhaustion regime), chủ thể nắm giữ quyền SHTT chỉ mất quyền kiểm soát việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm trong phạm vi lãnh thổ nước này. Do đó, nhập khẩu song song không được công nhận. Trường hợp 2: Nếu nước nhập khẩu áp dụng cơ chế hết quyền khu vực (the regional exhaustion regime), chủ thể nắm giữ quyền SHTT mất quyền kiểm soát việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm trong phạm vi khu vực. Do đó, nhập khẩu song song chỉ được thừa nhận trong phạm vi khu vực. Trường hợp 3: Nếu nước nhập khẩu song song áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế (the international exhaustion regime), chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn quyền kiểm soát việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm trên toàn thế giới. Do đó, nhập khẩu song song được thừa nhận. Chính vì thuyết hết quyền và nhập khẩu song song có mối quan hệ chặt chẽ, hai vấn đề này thường được đặt cạnh nhau.

 

 Hết quyền SHTT và nhập khẩu song song được công nhận là những vấn đề quan trọng trong chính sách và pháp luật SHTT cũng như thương mại của mỗi quốc gia. Do những giá trị lý luận và thực tiễn của chúng, những vẫn đề này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu cũng như những người làm thực tiễn trong cả lĩnh vực pháp luật và kinh tế. Cho đến nay, nhiều tranh cãi còn tồn tại xoanh quanh hết quyền SHTT và nhập khẩu song song.  Bài viết này tập trung vào pháp luật của một số nước Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm: Singapore, Malaysia, Philipines, Việt Nam về hết quyền SHTT và nhập khẩu song song đối với sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu.[3]

 

 2. Giới thiệu pháp luật của một số nước ASEAN về hết quyền SHTT và nhập khẩu song song

 

2.1. Singapore

Đối với sáng chế: Cơ chế hết quyền quốc tế và nhập khẩu song song được áp dụng cho những sản phẩm và quy trình được bảo hộ sáng chế. Theo quy định tại Mục 66.2.g, Đạo luật Sáng chế năm 1994: nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ sáng chế hoặc sản phẩm được tạo ra theo quy trình được bảo hộ sáng chế không bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế khi sản phẩm được tạo ra bởi chính chủ sở hữu sáng chế hoặc với sự đồng ý của chủ thể này hoặc bởi người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Quy định này được áp dụng cho cả những sáng chế được cấp ở Singapore cũng như bất kỳ quốc gia nào. Riêng đối với thuốc, Singapore phải giảm bớt mức độ bảo hộ cho thuốc nhập khẩu song song được bảo hộ sáng chế trước sức ép từ phía Hoa Kỳ.[4] Điều này được phản ánh trong Điều 16.7.2 Thoả thuận thương mại tự do Hoa Kỳ-Singapore và Mục 66.2.g, Đạo luật Sáng chế sửa đổi năm 2004. Tuy nhiên, nhập khẩu song song thuốc được cho phép khi thoả mãn các điều kiện quy định tại Mục 66.2.i: (i) sử dụng bởi và cho bệnh nhân cụ thể ở Singapore; (ii) cần thiết cho bệnh nhân đó; (iii) được cơ quan có thẩm quyền cho phép; (iv) sản phẩm được sản xuất bởi hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

 Đối với nhãn hiệu: Theo quy định tại Mục 29, Đạo luật Nhãn hiệu Singaporenăm 1998: nhập khẩu song song hàng hoá được chấp nhận nếu hàng hoá được đưa ra thị trường Singapore hoặc thị trường nước ngoài bởi chính sở hữu nhãn hiệu hoặc với sự đồng ý rõ ràng hay ngụ ý của chủ sở hữu nhãn hiệu. Tuy nhiên, chủ sở hữu nhãn hiệu không hết quyền sở hữu trí tụê đối với nhãn hiệu được bảo hộ nếu điều kiện của hàng hoá mang nhãn hiệu bị thay đổi hoặc bị hư hại sau khi được đưa ra thị trường và việc sử dụng nhãn hiệu đó gây thiệt hại đến đặc thù hoặc danh tiếng của nhãn hiệu đã đăng ký. Như vậy, cũng như đối với sáng chế, Singapore áp dụng hết quyền quốc tế và nhập khẩu song song cho hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ.

 Đối với quyền tác giả: Singapore công nhận và bảo vệ hoạt động nhập khẩu song song các sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả với cách tiếp cận rất rộng. Thứ nhất, Đạo luật quyền tác giả Singapore năm 1987 cho phép nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả được tạo ra ở nước ngoài với sự đồng ý của chủ thể nắm giữ quyền tác giả hoặc người được uỷ quyền mặc dù chủ thể nắm giữ quyền tác giả ở Singapore không phải là nhà nhập khẩu (Mục 25.3). Thứ hai, trong trường hợp giữa chủ thể nắm giữ quyền tác giả và bên mua đã có thoả thuận không xuất khẩu sản phẩm đến Singapore nhưng chủ thể nắm giữ quyền tác giả không có ý kiến, việc nhập khẩu này vẫn được coi là hợp pháp (Mục 25.3 và Mục 25.4. Thứ ba, nhập khẩu song song những phụ kiện kèm theo sản phẩm chính được bảo hộ quyền tác giả cũng được coi là hợp pháp. Cho nên, nhập khẩu song song sách hướng dẫn, bao bì đóng gói, tài liệu bảo hành…được coi là nhập khẩu hợp pháp khi nhập khẩu song song sản phẩm chính được công nhận hợp pháp (Mục 40A và Mục 116A).  

Tính hợp pháp của nhập khẩu song song được khẳng định trong các phán quyết của Toà án Singapore. Ví dụ: vụ Remus Innovation v. Hong Boon Siong năm 1991.[5]

 

 2.2.Malaysia

Đối với sáng chế: Malaysia áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế cho sáng chế. Trong Đạo luật Sáng chế năm 1983 vấn đề hết quyền đối với sáng chế được quy định chưa rõ ràng (Mục 37.2.1.). Năm 2000, trước nhu cầu tiếp cận và giảm giá thuốc, đặc biệt là thuốc chữa bệnh HIV/AIDS,[6] Malaysia đã sửa đổi Đạo luật Sáng chế với quy định rõ ràng hơn về nhập khẩu song song tại Mục 58A. Bên cạnh quy định mở về nhập khẩu song song tại Mục 58A, Malaysia cũng quy định giới hạn cho nhập khẩu song song. Thứ nhất, chỉ công nhận nhập khẩu song song khi sản phẩm được đưa ra thị trường bởi: (i) chủ sở hữu sáng chế; (ii) người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế; (iii) người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc chuyển giao (compulsory license); (iv) người có quyền sử dụng trước (Mục 37.2 Đạo luật Sáng chế). Thứ hai, chủ sở hữu sáng chế có thể sử dụng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (license agrrement) để hạn chế bên được chuyển giao xuất khẩu sản phẩm trở lại Malaysia (Mục 43.1 Đạo luật Sáng chế).[7] Nhập khẩu song song sản phẩm được bảo hộ sáng chế được Toà án Malaysia xem xét trong một số vụ việc, trong đó vụ việc đầu tiên là Smith Kline & French Laboratories Ltd v. Salim (M) Sdn. Bhd năm 1989.

Đối với nhãn hiệu: Hết quyền SHTT đối với nhãn hiệu không được quy định rõ trong Đạo luật Nhãn hiệu năm 1976 và Đạo luật Nhãn  hiệu sửa đổi năm 2000. Mục 70D của Đạo luật nhãn hiệu sửa đổi năm 2000 cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn hàng hoá nhập khẩu vi phạm quyền đối với nhãn hiệu (counterfeit trade mark goods). Tuy nhiên, quy định này lại không đề cập tới nhập khẩu hàng hoá chính hiệu là đối tượng của nhập khẩu song song. Vấn đề nhập khẩu song song hàng hoá được bảo hộ nhãn hiệu cũng được xem xét trong vụ việc Panado năm 1988. Tuy nhiên, phán quyết của vụ việc này lại không rõ ràng.

 Đối với quyền tác giả: Trong Đạo luật quyền tác giả năm 1987, nhập khẩu song song sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, trong Đạo luật quyền tác giả sửa đổi năm 1990, những hạn chế nhập khẩu song song đã bị dỡ bỏ theo quy định tại Mục 36.2.

 

2.3.Philipines

 Trước năm 2007, Philipines áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc gia và nhập khẩu song song bị coi là bất hợp pháp ở quốc gia này. Đối với sáng chế, Mục 71 Bộ luật sở hữu trí tụê Philipines năm 1997 áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc gia với quy định: các độc quyền của chủ sở hữu sáng chế không còn khi chủ thể đưa hàng hoá ra thị trường Philipines. Đối với nhãn hiệu, Bộ luật SHTT Philipines cấm nhập khẩu hàng hoá vi phạm quyền chủ sở hữu đối với nhãn hiệu đã đăng ký  bảo hộ (Mục 166 Bộ luật SHTT Philipines). Tuy nhiên, mục này không đề cập đến nhập khẩu hàng hoá chính hiệu là đối tượng của nhập khẩu song song. Đối với quyền tác giả, cũng như đối với sáng chế và nhãn hiệu, hết quyền và nhập khẩu song song sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả không được pháp luật Philipines quy định. Toà án Philipines đã giải quyết một số vụ việc về nhập khẩu song song và có chung quan điểm ngăn cấm hoạt động này.[8]

 Năm 2007 đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách cũng như pháp luật Philipines về hết quyền SHTT và nhập khẩu song song. Tháng 1 năm 2007, Nghị viện Philipines đã thông qua Bộ luật SHTT sửa đổi (Republic Act No. 8293), trong đó thừa nhận nhập khẩu song song thuốc.[9] Như vậy, Philipines đã chuyển từ áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc gia sang áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế đối với sản phẩm thuốc.[10] Trước thực trạng giá thuốc cao ở Philipines, Chính Phủ nước này đã coi nhập khẩu song song là công cụ giảm giá thuốc và tăng cường khả năng tiếp cận với thuốc ở quốc gia này.[11]

 

2.4.Việt Nam

 Đối với sáng chế và nhãn hiệu: Quy định quan trọng nhất về hết quyền SHTT đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung là Điều 125.2.b Luật SHTT năm 2005. Điều 125.2.b quy định như sau: “Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác…lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài”. “Sản phầm được đưa ra thị trường…một cách hợp pháp” được làm rõ tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 103/2006/ND-CP. Theo đó, “Sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 125 của Luật SHTT được hiểu là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài.” Như vậy, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không thể ngăn chặn chủ thể khác lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm đã được ra thị trường bất kỳ nơi nào trên thế giới nhưng có quyền ngăn chặn các chủ thể khác thực hiện những hành vi này với những sản phẩm mà không phải chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu đồng ý đưa ra thị trường - những sản phẩm này được coi là sản phẩm bất hợp pháp.

 Xem xét điểm b khoản 2 Điều 125 trong mối quan hệ với khoản 2 Điều 21 Nghị định 103/2006/NĐ-CP cho thấy rằng: quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp bị hết khi hai điều kiện sau đây thoả mãn: (i) sản phẩm đã được đưa ra thị trường, bất kể thị trường trong nước hay thị trường nước ngoài; (ii) chủ thể đưa sản phẩm ra thị trường là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, người được chuyển giao quyền sử dụng (bao gồm cả người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyền định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), hoặc người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp. Như vậy, Việt Nam áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế cho các đối tượng sở hữu công nghiệp với một sự nhấn mạnh đặc biệt dành cho nhãn hiệu.[12]

 Năm 2004, nhằm ổn định, giảm tình trạng “sốt” thuốc trên thị trường nội địa và ngăn chặn tình trạng lạm dụng vị trí độc quyền của một số hãng dược phẩm nước ngoài, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1906/2004/QĐ-BYT về nhập khẩu song song thuốc phòng và chữa bệnh cho người.[13]

 Đối với quyền tác giả: Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 Luật SHTT năm 2005, chủ thể nắm giữ quyền tác giả có quyền “phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm”. Tuy nhiên, vấn đề không rõ là nhập khẩu song song bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là hành vi hợp pháp hay bất hợp pháp? Hơn nữa, thương mại song song các hàng hoá được bảo hộ quyền tác giả không bị liệt kê trong danh mục hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật SHTT. Như vậy, không có bất kỳ quy định nào về hết quyền tác giả trong Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

 

 

3. Kết luận

 

 

Điểm tương đồng rõ nét nhất trong pháp luật của bốn quốc gia – Singapore, Malaysia, Philipines, Việt Nam - về hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song là: các quốc gia đều chú trọng chính sách nhập khẩu song song thuốc và coi đây là hoạt động hợp pháp. Malaysia đã sửa đổi Đạo luật Sáng chế vào năm 2000 với cơ sở pháp lý rõ ràng dành cho nhập khẩu song song thuốc tại Mục 58A. Tương tự như Malaysia, Philipines sửa đổi Bộ luật SHTT vào năm 2007 với bước ngoặt quan trọng: cho phép nhập khẩu song song thuốc. Với sự kiện pháp lý quan trọng này, Philipines đã lựa chọn cơ chế hết quyền quốc tế dành cho thuốc thay cho cơ chế hết quyền quốc gia được áp dụng một thời gian dài ở Philipines. Ở Việt Nam, hoạt động nhập khẩu song song thuốc được tiến hành trên cơ sở Quyết định 1906/2004/QĐ-BYT. Tuy nhiên, khác với quy định về nhập khẩu song song thuốc của Việt Nam không gắn liền với đối tượng sở hữu công nghiệp cụ thể (Singapore, Malaysia, Philipines bảo hộ thuốc nhập khẩu song song được bảo hộ sáng chế). Mặc dù Singapore phải giảm mức độ bảo hộ dành cho thuốc nhập khẩu song song trước sức ép từ phía Hoa Kỳ, Singapore vẫn có quy định mở đường cho hoạt động này trong những trường hợp nhất định tại Mục 66.2.i Đạo luật Sáng chế.

Giá thuốc cao và khó khăn trong tiếp cận với thuốc là tình trạng đặc thù ở các nước đang phát triển nói chung. Bởi vậy, các nước đang phát triển thường coi nhập khẩu song song là công cụ hữu hiệu nhằm giảm giá thuốc và tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

 Singapor là nước phát triển, tuy nhiên, một số lượng lớn thuốc của nước này phải nhập khẩu. Do đó, quốc gia này áp dụng chính sách cho phép nhập khẩu song song thuốc.

 Bên cạnh điểm tương đồng nêu trên của cả bốn quốc gia, quy định của Malaysi và Việt Nam về hết quyền SHTT có điểm tương đồng và không tồn tại trong pháp luật Singapore mà Philipines. Theo quy định tại Mục 37.2 Đạo luật Sáng chế Malaysia và khoản 2 Điều 21 Nghị định 103/2006/NĐ-CP Luật SHTT năm 2005, hết quyền SHTT xảy ra kể cả trong trường hợp sản phẩm được đưa ra thị trường bởi người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nói cách khác, trong trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sang chế, điều kiện đồng ý đưa sản phẩm vào lưu thông vẫn được coi là thoả mãn theo quy định của pháp luật Malaysia  và Việt Nam. Trong khi đó, theo pháp luật của nhiều nước khác, điều kiện đồng ý đưa sản phẩm vào lưu thông thường được coi là không thoả mãn trong trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.[14]

 Quy định hết quyền sở hữu trí tụê xảy ra kể cả trong trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế của

Malaysia và Việt Nam nhằm tăng khả năng cho những quốc gia này tiếp cận với những thành quả sáng tạo của con người. Bởi vì hai quốc gia này thường là bên được chuyển giao trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Khi hết quyền xảy ra, họ có quyền tuyệt đối trong khai thác, sử dụng sản phẩm được bảo hộ sáng chế mà không chịu sự can thiệp từ phía chủ hữu sáng chế.

 Khác biệt lớn nhất trong pháp luật hiện hành của Singapore, Malaysia, Philipines, Việt Nam về hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song là: các quốc gia áp dụng nguyên tắc hết quyền khác nhau. Singapore áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế cho sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả và thừa nhận nhập khẩu song song sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ. Ở quốc gia này, không có bất kỳ rào cản pháp lý và thực tế nào cho hoạt động nhập khẩu song song. Malaysia lựa chọn nguyên tắc hết quyền quốc tế cho sáng chế và quyền tác giả; trong khi đó, quốc gia này không quy định rõ cơ chế hết quyền dành cho nhãn hiệu. Philipines duy trì nguyên tắc hết quyền quốc gia cho các đối tượng sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, nhập khẩu song song thuốc được coi là hợp pháp sau khi Bộ luật SHTT được thông qua năm 2007. Việt Nam thừa nhận hết quyền quốc tế cho các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung nhưng cơ chế hết quyền chưa được xác định rõ cho quyền tác giả.

 Việc lựa chọn cơ chế hết quyền SHTT phụ thuộc vào ba yếu tố: (i) điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể của mỗi quốc gia; (ii) chính sách của mỗi quốc gia; (iii) đặc điểm của mỗi đối tượng SHTT.[15]

 Malaysia, Philipines, Việt Nam là ba nước đang phát triển với điều kiện kinh tế tương đối giống nhau; Singapore là nước phát triển và có mức độ phát triển cao nhất trong khối ASEAN. Tuy nhiên, bốn nước này đều là những nước nhập khẩu. Bởi vậy, áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế với sự thừa nhận nhập khẩu song song được coi như giải pháp hữu hiệu nhằm làm phong phú hơn hàng hoá, dịch vụ trên thị trường và người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận những sản phẩm sáng tạo trí tuệ của con người trên toàn thế giới.[16] Hơn nữa, nhập khẩu song song được chứng minh rằng dẫn đến giảm giá bình quân và là giải pháp tốt cho vấn đề giá cao ở thị trường nội địa.[17] Mặc dù nhập khẩu song song đem lại lợi ích cho các nước đang phát triển, tuy nhiên, Philipines vẫn duy trì cơ chế hết quyền quốc gia cho các đối tượng sở hữu trí tuệ và cho các sản phẩm, ngoại trừ nguyên tắc hết quyền quốc tế dành cho thuốc. Điều này xuất phát từ chính sách bảo hộ của nước này đối với các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Về nguyên tắc, cơ chế hết quyền quốc gia được lựa chọn trên cơ sở chính sách bảo hộ chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và nhà sản xuất trong nước.[18]

Hơn nữa, pháp luật của bốn quốc gia về hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song cũng ở mức độ hoàn thiện khác nhau. So với Malaysi, Philipines và Việt Nam, pháp luật Singapore về vấn đề này đạt được mức độ hoàn thiện cao nhất với những quy định cụ thể, rõ ràng cho phép nhập khẩu song song. Trong khi đó, còn những điểm không rõ ràng trong quy định của pháp luật Malaysia và Việt Nam về hết quyền sở hữu trí tụê và nhập khẩu song song. Đối với Việt Nam, hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song còn là những vấn đề mới và chưa được đề cập đến trong các phán quyết của Toà án. Điều này phản ánh sự khác biệt trong phát triển kinh tế và trình độ lập pháp giữa các quốc gia này.

 Như vậy, pháp luật của Singapore, Malaysia, Philipines, Việt Nam về hết quyền SHTT và nhập khẩu song có những tương đồng bên cạnh một số khác biệt. Những khác biệt trong áp dụng nguyên tắc hết quyền giữa của các quốc gia có thể tạo ra những rào cản trong hoạt động kinh thương mại liên quan đến sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT giữa các quốc gia. Nếu ASEAN đặt mục tiêu thống nhất ở mức độ cao như Liên minh Châu Âu,  các quốc gia thành viên ASEAN cũng phải áp dụng một nguyên tắc hết quyền thống nhất – đó là nguyên tắc hết quyền khu vực – như Liên minh Châu Âu.  Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật của các quốc gia thành viên ASEAN đều phù hợp với những thoả thuận quan trọng nhất của Tổ chức Thương mại thế giới về hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song. Đó là: Hiệp định TRIPS (Điều 6) và Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và sức khoẻ cộng đồng (Điều 5)./.

 


[1] Trong tiếng Anh, thuyết hết quyền là “the exhaustion doctrine” hay “the first sale doctrine”. Thuyết hết quyền được Toà án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lần đầu tiên trong vụ việc về sáng chế Adams v. Burke, năm 1873. Ở Châu Âu, thuyết hết quyền gắn liền với tên tuổi học giả Đức Joseph Kohler. Thuật ngữ hết quyền được Toà án Đức sử dụng trong một vụ việc về sáng chế vào năm 1902. Cho đến nay, thuyết hết quyền được áp dụng cho các đối tượng SHTT và vấn đề hết quyền SHTT được đưa vào các thoả thuận quốc tế và khu vực. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là Điều 6 Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tụê (Hiệp định TRIPS).

[2] Thông thường, các thuật ngữ “thương mại song song” (parallel trade), “nhập khẩu song song” (parallel import) và “xuất khẩu song song” (parallel export) được sử dụng ở Châu Âu và các nước khác. Thay vào đó, thuật ngữ “thị trường xám” (grey market) được sử dụng ở Mỹ. Kinh doanh thị trường xám nhằm chỉ hoạt động kinh doanh những hàng hoá của nhà sản xuất nước ngoài; những hàng hoá này mang nhãn hiệu được bảo hộ tại nước ngoài và cũng chính là nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Mỹ; những hàng hoá xám được sản xuất ở nước ngoài và sau đó được nhập khẩu vào Mỹ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu ở Mỹ. Thuật ngữ này được sử dụng nhằm phân biệt hàng hoá trên thị trường xám với hàng hoá trên thị trường đen - loại hàng hoá giả mạo.

 

[3] Tác giả lựa chọn Singapore, Malaysia, Philipines bởi vì: (i) pháp luật của các nước này quy định tương đối rõ ràng về hết quyền và nhập khẩu song song; (ii) khả năng tiếp cận với nguồn tài liệu tiếng Anh về pháp luật của những quốc gia này dễ dàng hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Bài viết này cũng chỉ đề cập tới sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả bởi vì: (i) dung lượng hạn chế của bài viết; (ii) đây là ba đối tượng chính của pháp luật SHTT bất kỳ quốc gia nào.

[4] Burton Ong, The interface between intellectual property law and competition law in Singapore, trang 389 (đây là bài viết trong cuốn sách The interace between intellectual property rights and competition policy của Steven Anderman, Cambridge, 2008).

[5] Trong vụ này, Toà án nhấn mạnh: “nhập khẩu song song là hoạt động kinh doanh hợp pháp” và “không gì ngăn chặn một người mua hàng hoá từ nhà sản xuất hoặc người mua hàng hoá đó và bán lại trong điều kiện cạnh tranh với chính chính nhà sản xuất, thậm chí trong trường hợp nhà sản xuất, hoặc đại lý của nhà sản xuất là nhà nhập khẩu và nhà phân phối duy nhất trong nước đó.”

[6] Năm 1999, trong Hội nghị quốc tế về AIDS ở các nước Châu Á và Thái Bình Dương, thủ tướng Malaysia đã nêu bật sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển trong tiếp cận, nhận được sự chữa trị cho căn bệnh này. Thủ tướng cũng chỉ ra nhập khẩu song song và chuyển giao sáng chế bắt buộc là những giải pháp cho vấn đề.

[7] Trong trường hợp này, Bên chuyển giao có thể yêu cầu bên được chuyển giao ghi rõ trên sản phẩm “Không bán ở Malaysia” (“Not for sale in Malaysia”). Trong trường hợp này, thoả thuận giữa hai bên không có giá trị pháp lý bắt buộc đối với bên thứ ba.

 

[8] Những phán quyết điển hình là: phán quyết của Toà án Tối cao Philipines trong vụ Yu v. Court of Appeals năm 1993 và của Toà Phúc thẩm Philipines trong vụ U-Bix Corporation v. Ariancorp International Inc năm 1995.

[9] Xem: Universally Assesible Cheaper and Quality Medicines Act No. 9502, 2008; Supplement – Asia – Pacific IP Focus 2007 Philipines: Parallel Problem, Managing Intellectual Property,

http://www.managingip.com; Peter Ollier, How public health affect patent rights, AIPPI Congress News, Monday 8 September 2008, https://www.aippi.org/enews/2008/edition04/congress-news_public-health.pdf; The Philipines Report Q205, Exhaustion of IPR in cases of recycling and repair of goods, https://www.aippi.org/download/comitees/205/GR205philippines.pdf.

[10] Corolyn Deere, The Implementation Game: the TRIPS Agreement and the Global Politics of Intellectual Property Reform in Developing Countries, Oxford University Press, 2009, trang 75.

[11] Theo Báo cáo Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ công thương, trang 112: Philipines là một trong các quốc gia có giá thuốc cao nhất Châu Á, thậm chí cáo đáng kể trên phạm vi toàn cầu.

[12] Trong khảo sát về áp dụng cơ chế hết quyền và nhập khẩu song song của các nước đang phát triển tại thời điểm năm 2006, Việt Nam được xác định là áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế. Xem: Crolyn Deere, The Implementation Game: the TRIPS Agreement and the Global Politics of Intellectual Property Reform in Developing Countries, Oxford University Press, 2009, trang 76.

[13] Nhập khẩu song song thuốc được khẳng định lại trong Quyết định 110/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 16 tháng 5 năm 2005 Về việc phê duyệt Kế hoạch “dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân”.

[14] Chẳng hạn, trong vụ Pharmon v. Hoechst năm 1984, Toà án Cộng đồng Châu Âu phán quyết rằng: khi cơ quan có thẩm quyền của một nước thành viên cho phép bên thứ ba quyền sử dụng sáng chế, thông thường chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm được thực hiện bởi bên được cho phép sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ qua có thẩm quyền, không thể cho rằng chủ sở hữu sáng chế đồng ý với việc nhập khẩu này. Xem: Vụ 19/84, Pharmon v. Hoechst [1985] ECR 2281, đoạn 25.

[15] Hiện nay tác giả là nghiên cứu sinh năm thứ ba với đề tài: ”Thuyết hết quyền và đề xuất dành cho Việt Nam: Tập trung nghiên cứu hết quyền đối với nhãn hiệu”. Đây là kết luận được rút ra từ quá trình nghiên cứu của tác giả.

[16] Nguyễn Như Quỳnh, Exhaustion of IPRs under Vietnamese Law, IP Community, Japan, No.11, trang 43-56.

[17] Ví dụ, xem: Abbott, Frederik M., Parallel Importation: Economic and social welfare dimensions, the International Institute of Sustainable Development, June 2007, tại: http://www.iisd.org/pdf/2007/parallel_importation.pdf; Xiang Yu, The Regime of Exhaustion and Parallel Imports in China: A Study Based on the Newly Amended Chinese Laws and Related Cases, [2004] E.I.P.R, trang 110

[18] Nghiên cứu cho thấy: Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai quốc gia có điều kiện kinh tế tương tự như nhau nhưng Hoa Kỳ áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc gia (ngoại trừ nguyên tắc hết quyền quốc tế dành cho nhãn hiệu với một số ngoại lệ), Nhật Bản lại lựa chọn cơ chế hết quyền quốc tế cho các đối tượng sở hữu trí tuệ. Lý do là: Hoa Kỳ có chính sách bảo hộ các nhà sản xuất trong nước trong khi Nhật Bản lại đặt lợi ích của người tiêu dùng ở vị trí cao hơn.

 

Lượt xem: 21124

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:15403
Lượt truy cập: 46334509