Thứ hai, 13/01/2025 15:45 GMT+7
Thứ năm, 24/10/2013 17:00 GMT+7

Hội thảo về chồng lấn trong bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả

Ngày 24 tháng 10 năm 2013, trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Chương trình 68), Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo “Pháp luật và thực tiễn về xử lý chồng lấn trong bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả”.

 

Hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, một số văn phòng/công ty luật và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Diễn giả của Hội thảo là Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch Hội đồng giáo sư Trường Đại học Dedman, Hoa Kỳ. Giáo sư Thảo là một trong những giáo sư hàng đầu về nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Theo Giáo sư Thảo, chồng lấn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Chồng lấn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước hết được hiểu là việc chủ thể quyền yêu cầu nhiều hơn một hình thức bảo hộ cho một đối tượng bảo hộ hoặc yêu cầu sự bảo hộ liên tục từ cơ quan bảo hộ (chẳng hạn, sau khi hết thời hạn bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp thì tiếp tục yêu cầu được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu hoặc quyền tác giả). Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ chồng lấn còn đặt ra khi cùng một đối tượng được bảo hộ bởi hai cơ chế pháp luật và thuộc về hai chủ thể khác nhau (chẳng hạn, một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp thuộc chủ sở hữu A và đồng thời được bảo hộ bởi quyền tác giả thuộc chủ sở hữu B). Chồng lấn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc giải quyết các vụ việc sở hữu trí tuệ có yếu tố chồng lấn và gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Sự chồng lấn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và quyền tác giả nói riêng là vấn đề mới ở nước ta và chưa nhận thức được một cách đầy đủ. Do đó, Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ  mà còn có giá trị đối với cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, những người làm công tác nghiên cứu và thực tiễn trong lĩnh vực này./.

Lượt xem: 7245

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:27060
Lượt truy cập: 47863740