Chủ nhật, 22/12/2024 09:50 GMT+7
Thứ tư, 10/07/2024 10:36 GMT+7

Một số điểm mới của Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo hành lang pháp lý cho công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành một số quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung tương ứng tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP. Cụ thể như: hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp liên quan đến tên miền; quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gây ra; phân tách khái niệm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý; trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân hành nghề, tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi Nghị định số 99/2013/NĐ-CP để bảo đảm tính thống nhất giữa quy định tại 02 Nghị định. Đồng thời, một số quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cũng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất với một số nguyên tắc của Luật Xử lys vi phạm hành chính (như nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (như nguyên tắc dễ thực hiện, rõ ràng, dễ hiểu).

Đồng thời, tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cho thấy: một số quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP chưa hoàn toàn thống nhất với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 (gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ). Thực tiễn thi hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc và việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP để giải quyết yêu cầu đặt ra từ thực tiễn là cần thiết.

Căn cứ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, bảo đảm phù hợp với pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, ngày 04/5/2024, trên cơ sở đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 46/2024/NĐ-CP). Nghị định số 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với 24 điều trên tổng số 35 điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, trong đó một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:

Về đối tượng và hành vi bị xử phạt

- Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 1a để quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức để phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính.         

- Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp đã sử dụng nhãn hiệu được chuyển quyền trên bao bì hàng hoá tại điểm c khoản 1 Điều 6 để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 141, khoản 4 Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ và bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm, khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi không thông báo các khoản, mức phí, lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho khách hàng tại điểm đ vào sau điểm d  khoản 1 Điều 7 để phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 153 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tại điểm e khoản 1 Điều 7 để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 152 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 7 về hành vi không thông tin hoặc thông tin không trung thực, đầy đủ các thông báo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 153 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh, hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tại điểm a khoản 3 Điều 7 để bảo đảm quy định xử phạt hành vi vi phạm đối với cả tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm (hành vi kinh doanh và hành vi hành nghề) theo quy định tại Điều 154 và Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Bãi bỏ quy định xử phạt đối với hành vi cố ý cản trở việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người có quyền và lợi ích liên quan quy định tại điểm h khoản 2 Điều 7, do Luật Sở hữu trí tuệ không quy định xử lý đối với hành vi nêu trên và để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng.

- Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

- Bổ sung khoản 13a vào sau khoản 13 Điều 10 quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Bổ sung khoản 14a vào sau khoản 14 Điều 11 quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Bãi bỏ quy định xử phạt đối với hành vi quá cảnh tại Điều 10, Điều 11, Điều 14 để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Tại Điều 14, sửa đổi để nâng mức phạt xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh; sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 16 để phù hợp với nội dung quy định tại khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ) quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên miền.

          Về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả

- Sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 (bổ sung “một phần hoặc toàn bộ”) để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ban hành VBQPPL.

- Bổ sung khoản 4 Điều 3 quy định về các điều kiện cụ thể áp dụng biện pháp “Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại” để bảo đảm nguyên tắc rõ ràng, cụ thể và sự thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 97 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

- Bãi bỏ quy định về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính công khai quy định điểm e khoản 3 Điều 3, điểm b khoản 2 Điều 6. Lý do: Biện pháp này không được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Sở hữu trí tuệ cũng không quy định áp dụng biện pháp này trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu tại điểm b khoản 12 Điều 12 để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Bãi bỏ quy định về áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh quy định tại khoản 16 Điều 11, khoản 17 Điều 14 để bảo đảm phù hợp tính chất, mức độ của hành vi vi phạm bị áp dụng và phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

          - Sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp (khoản 2 Điều 31) và trình tự, thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền (khoản 3 Điều 31);

- Bổ sung khoản 5, 6, 7, 8 Điều 31 quy định về thi hành và cưỡng chế áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả (buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất; buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại; buộc bổ sung chỉ dẫn về sở hữu công nghiệp; buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung) làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng trong thực tiễn.

          Về quy định chung và trình tự, thủ tục xử lý vi phạm

- Bổ sung Điều 3a quy định về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý các hành vi vi phạm trên Internet (tạm giữ tên miền).

- Sửa đổi, bổ sung Điều 4 do quy định về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc xác định giá trị hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để bảo đảm thống nhất với quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

          - Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 22 để phù hợp với nội dung đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, người bị thiệt hại bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh không còn quyền “yêu cầu” cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng biện pháp hành chính (có thể chuyển sang hình thức kiến nghị).

- Sửa đổi, bổ sung toàn điện quy định về thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Chương IV) để phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và bảo đảm quy định đầy đủ trình tự, thủ tục xử lý yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (sửa đổi, bổ sung các Điều 22, 23, 25, 28; bãi bỏ các Điều 24, 26, 27).

          Về hình thức, thuật ngữ

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi “tàng trữ để bán” để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ.

          - Bổ sung cụm từ “và các hoạt động khác làm ra” vào sau cụm từ “đóng gói” tại điểm a khoản 13 Điều 10, điểm a khoản 13 Điều 11, điểm a khoản 10 Điều 12 để bảo đảm quy định đầy đủ các trường hợp của hành vi sản xuất.

          - Thay thế cụm từ “trưng cầu giám định” thành cụm từ “yêu cầu giám định” tại điểm c khoản 2 Điều 25 để phù hợp với quy định tại Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ.

 

          Với những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nêu trên, Nghị định số 46/2024/NĐ-CP góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói riêng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chúng. Đồng thời, Nghị định tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

 

 

                                                                             Tác giả: Trần Tiến Đạt

Lượt xem: 1281

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:19459
Lượt truy cập: 47176461