Thứ bảy, 23/11/2024 14:09 GMT+7
Thứ năm, 17/01/2013 11:41 GMT+7

Cơ chế đánh giá, xử lý trách nhiệm khi trao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN theo Nghị định 115/2002/NĐ-CP- Góc nhìn từ thanh tra

Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập (Nghị định 115) được ban hành năm 2005. Tháng 6/2006, Thông tư số 12/2005/TTLT/BKHCN-BTC-BNV (Thông tư 12) hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 cũng được liên bộ KH&CN, Tài chính và Nội vụ ban hành. Các văn bản này thể hiện một chính sách được coi là "đột phá đổi mới" cho KH&CN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhằm giải quyết những bức xúc của thực tiễn phát triển kinh tế xã hội. Cùng với Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Doanh nghiệp KH&CN được ban hành năm 2007, Nghị định 115 là giải pháp quan trọng về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học, quy định việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất cho các tổ chức KH&CN công lập (nhiều năm qua được hưởng kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách nhà nước theo cơ chế bao cấp), đó chính là cơ chế của doanh nghiệp như các nghị quyết của Đảng đã yêu cầu.

            Qua quá trình triển khai thực hiện, đến đầu năm 2008, nhiều bộ, ngành và địa phương đã thực hiện tốt chính sách nhưng bên cạnh đó cũng còn có một số bộ, ngành, địa phương khác chưa chỉ đạo quyết liệt. Tính đến hết quý I/2008, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong tổng số 504 tổ chức KH&CN thuộc các Bộ, ngành và địa phương có 205 tổ chức KH&CN có Đề án đã được phê duyệt (khoảng 40,67%), 135 tổ chức KH&CN đã có Đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt (khoảng 26,7%), 134 tổ chức KH&CN đang xây dựng và hoàn chỉnh Đề án. [1]

             Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá cao chính sách đổi mới quản lý khoa học và công nghệ của Nhà nước và coi đó là một bước đi tất yếu và cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN trên cả nước. Tuy nhiên công tác sơ kết cũng chỉ ra, trong quá trình triển khai Nghị định 115, có một số khó khăn, tồn tại đã nảy sinh như (1) nhiều tổ chức khoa học và công nghệ có tư tưởng e ngại chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 (đặc biệt là các tổ chức khoa học và công nghệ ở địa phương) và vẫn muốn dựa vào sự hỗ trợ, bao cấp của Nhà nước để hoạt động; (2) Các nội dung quy định tại Nghị định 115 và các văn bản hướng dẫn thực hiện còn thiếu đồng bộ, nhiều chỗ chưa rõ ràng, chưa bao quát hết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, đặc biệt, các cơ chế tài chính chưa thực sự khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ phát huy hết khả năng của mình trong các hoạt động sáng tạo, dịch vụ, sản xuất và kinh doanh….

Do vậy, ngày 20/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 80/2007/NĐ-CP (Nghị định 96) để giải tháo gỡ những tồn tại nêu trên. Một trong những thay đổi căn bản của Nghị định 96 là thay đổi về phương thức cấp kinh phí hoạt động cho các tổ chức KH&CN. Và hiện nay, Bộ KH&CN cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 12 hướng dẫn thực hiện Nghị định 115.

Có thể thấy rằng, mục tiêu quan trọng của chính sách cũng như những nội dung cơ bản của các văn bản là nhằm "đưa tinh thần doanh nghiệp vào các tổ chức KH&CN". Để thực hiện mục tiêu này, các tổ chức KH&CN ngoài việc được trao quyền tự chủ rất lớn còn được giao quản lý, sử dụng một số lượng tài sản lớn của nhà nước để phục vụ hoạt động nghiên cứu và sản xuất kinh doanh (kể cả xuất nhập khẩu trực tiếp). So với các tổ chức kinh tế khác trong xã hội, những ưu đãi mà cơ chế tạo ra cho các tổ chức KH&CN là lợi thế vô cùng lớn. Có thể nói, tổ chức KH&CN đã được "mặc 2 áo", bên cạnh cái áo thứ nhất, vẫn là các đơn vị nghiên cứu KH&CN như trước đây, thì họ được khoác thêm chiếc áo thứ hai, được công nhận và hoạt động như một doanh nghiệp chính danh.[2]  Như vậy, nếu xét trên phương diện lý luận về quản lý nhà nước, tổ chức KH&CN ngoài việc vận hành và chịu sự điều chỉnh bởi các quan hệ về quản lý hành chính, thì nay còn bị chi phối bởi các quan hệ mang tính chất kinh tế, thương mại.

Nếu so sánh (dù hơi khiên cưỡng) giữa việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước với việc giao quyền tự chủ và tài sản của nhà nước cho tổ chức KH&CN, ta thấy có nét gì đó tương đồng, mà cụ thể là việc cả 2 đều được chuyển giao quyền tự chủ và chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng điểm khác nhau căn bản nhất chính là quyền quản lý, kiểm soát đối với tổ chức. Quyền kiểm soát, quản lý đối với doanh nghiệp cổ phần được xác lập bởi khối lượng tài sản mà người đứng đầu nắm giữ và thông qua đại hội cổ đông, còn người đứng đầu tổ chức KH&CN lại thông qua một quyết định hành chính. Người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước các cổ đông khác, với chính số tài sản của mình đóng góp và có thể bị đại hội cổ đông tước quyền kiểm soát. Nhưng người đứng đầu tổ chức KH&CN chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính với những chế tài theo hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức - vốn khá tách biệt với các quan hệ mang tính chất kinh tế. Như vậy có thể thấy rằng, tổ chức KH&CN hay chính xác hơn là thủ trưởng tổ chức KH&CN được trao quyền hạn quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng của tổ chức KH&CN, được giao một khối lượng tài sản lớn nhưng chỉ phải chịu sự điều chỉnh bởi quan hệ (trách nhiệm) hành chính.

            Trong quá trình xây dựng Nghị định 115 và các văn bản liên quan, một số ý kiến đã đề cập đến vấn đề liên quan như: "Thủ trưởng tổ chức KH&CN phải lấy ý kiến của quần chúng trước các quyết định nhân sự chủ chốt. Mặt khác, nhằm tránh nguy cơ toàn bộ tài sản nhà nước bị thất thoát do cuộc kinh doanh thua lỗ, dự thảo Nghị định cũng quy định một bộ phận tài sản của đơn vị phải được duy trì để phục vụ công tác nghiên cứu theo nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các phòng thí nghiệm trọng điểm (trị giá hàng chục tỷ đồng) không được phép mang đi đấu giá, thế chấp".[3]

             Liên quan đến việc kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng tổ chức KH&CN, Nghị định 115 và Thông tư 12 cũng có quy định:

            - Cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của thủ trưởng tổ chức KH&CN, thực hiện việc đánh giá, xử lý trách nhiệm thủ trưởng tổ chức KH&CN theo quy định của pháp luật" (điểm b khoản 1 mục XIV Thông tư 12);

            - Thủ trưởng tổ chức KH&CN thực hiện quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức KH&CN; chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra trong đơn vị; được khen thưởng hoặc phải chịu kỷ luật tuỳ theo thành tích hoặc mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 13 Nghị định 115);

            - Trong mọi trường hợp, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo toàn tổng giá trị và phát triển tài sản của nhà nước giao cho đơn vị. Khi kết thúc nhiệm kỳ quản lý, nghỉ chế độ hoặc thuyên chuyển công tác, Thủ trưởng đơn vị phải bàn giao đầy đủ tài sản của đơn vị cho người kế nhiệm (điểm c khoản 3 mục VII Thông tư 12).

            Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định này khá chung chung và chỉ mang tính hình thức nếu không có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn. Ví dụ: cơ quan chủ quan kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng tổ chức KH&CN theo quy trình nào? tiêu chí đánh giá ra sao? Nếu thủ trưởng tổ chức KH&CN không làm tròn trách nhiệm bảo toàn và phát triển, thậm chí làm thất thoát tài sản được giao thì có bị xử lý không? Xử lý trách nhiệm theo trình tự và pháp luật nào? (hành chính? kinh tế? dân sự?...). Như vậy, dường như đã có sự mất cân đối giữa quyền hạn được giao và trách nhiệm tương ứng của thủ trưởng tổ chức KH&CN. Nói cách khác, cơ chế giám sát, đánh giá và xử lý trách nhiệm cụ thể của thủ trưởng tổ chức KH&CN chưa đầy đủ và hoàn chỉnh.

            Xét trên phương diện lý luận về phân tích chính sách, thì khâu "đánh giá chính sách" (là khâu có ý nghĩa rất quan trọng của chu trình xây dựng và thực hiện chính sách công), mà trong trường hợp cụ thể này là cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN đã bị "hổng".

            Xét trên phương diện pháp lý, việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức KH&CN cần được hiểu là trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cả các thành viên trong tổ chức đó chứ không phải trao riêng cho thủ trưởng tổ chức KH&CN. Điều đó cũng có nghĩa, CBCNV trong tổ chức cũng phải có quyền, trách nhiệm với bản thân, tổ chức và thủ trưởng của mình thông qua cả quan hệ hành chính và quan hệ mang kinh tế, dân sự.

            Xét trên phương diện tâm lý nhu cầu cá nhân thì nhiều CBCNV của tổ chức KH&CN muốn được vào biên chế của đơn vị dù mức lương bình quân thấp. Vì mọi người muốn tìm kiếm sự ổn định, dù không giàu nhưng cũng không đói[4]. Đây là nhu cầu chính đáng cần được tôn trọng.

            Xét trên phương diện xã hội, thực tế cũng cho thấy do đặc thù hoạt động sự nghiệp, nhiều tổ chức KH&CN đã không hoặc không thể thực hiện việc tuyển dụng CBCNV theo đúng pháp luật về CBCC nên có nhiều người đã gắn bó rất nhiều năm với đơn vị, có trình độ chuyên môn cao, làm việc có hiệu quả và đơn vị có nhu cầu thường xuyên đối với công việc.. thừa tiêu chuẩn để trở thành viên chức theo quy định nhưng chỉ được thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 năm trở xuống, thậm chí bị xem xét và ký lại hợp đồng từng năm.

Thực tế cũng cho thấy có không ít người sau khi được vào biên chế lại xuất hiện tư tưởng bình quân chủ nghĩa trong công việc vì yên tâm mình có lương hàng tháng do Nhà nước cấp, không làm gì cũng không bị giảm trừ lương[5]. Những trường hợp như vậy thì việc sắp xếp lại là rất cần thiết và phù hợp. Nhưng những trường hợp này cũng chưa bao quát hết và phản ánh đầy đủ thực tế khách quan, đó là có rất nhiều người có nhiệt huyết, gắn bó với đơn vị, mà nếu thủ trưởng tổ chức KH&CN "độc tài" hoặc có ý đồ cá nhân, sử dụng quyền của mình theo Nghị định 115 sa thải họ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm với công sức, tâm huyết gắn bó của họ với tổ chức, chịu trách nhiệm về tương lai của họ và gia đình họ, và hơn thế nữa, ai sẽ chịu trách nhiệm về tổn thất chất xám của đơn vị trước nhà nước.

Chúng ta mong muốn tổ chức KH&CN, cụ thể tập thể CBCNV trong tổ chức đó dám chấp nhận thử thách, vận hành theo cơ thị trường thì họ cũng có quyền đòi hỏi không chỉ là những quy định mang tính ưu đãi chung mà còn phải có cả sự công bằng, sòng phẳng về quyền và nghĩa vụ giữa họ với người đứng đầu tổ chức KH&CN trong việc đại diện và “dẫn dắt” cuộc sống tương lai của họ. Mà dường như, cơ chế để đảm bảo cho mối quan hệ này đang còn bỏ ngỏ. Chúng ta trao quyền rất lớn về hành chính và kinh tế cho thủ trưởng tổ chức KH&CN nhưng lại chỉ ràng buộc trách nhiệm về hành chính một cách khá lỏng lẻo. Phải chăng đây cũng là một trong những rào cản về tâm lý cản trở sự đồng thuận của tập thể CBCNV, làm giảm áp lực và động cơ chuyển đổi sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN, đồng thời cũng gián tiếp tạo ra sự chậm trễ và khó khăn trong lộ trình triển khai thực hiện Nghị định 115. Bởi vì xét trên cả 4 phương diện chính sách, pháp lý, xã hội và tâm lý nhu cầu cá nhân thì CBCNV có quyền tự quyết và họ cũng chỉ sẵn sàng bước sang mô hình hoạt động tự chủ, tin tưởng trao quyền quyết định cho thủ trưởng tổ chức KH&CN nếu người thủ trưởng có quyền hạn cùng với trách nhiệm rõ ràng và tương xứng.

            Do vậy, ngoài việc tiếp tục tăng cường ưu đãi và quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN, cần thiết và cấp bách phải xây dựng được cơ chế đánh giá kết quả trong các văn bản sắp được sửa đổi, bổ sung. Xét cho cùng thì pháp luật nói chung và Nghị định 115 nói riêng trước hết phải vì quyền lợi CBCNV, sau đó là đảm bảo sự công bằng trong các mối quan hệ xã hội, tạo tiền đề phát triển đất nước, nên việc xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá hoàn chỉnh cũng là vì các mục tiêu này.

             Quy trình đánh giá phải thể hiện được 4 vấn đề cơ bản sau:

            Thứ nhất, Thẩm quyền đánh giá: quy định cụ thể về cấp và thành phần tham gia thực hiện việc đánh giá. Việc quy định rõ thẩm quyền và thành phần cũng là hình thức xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể đối với việc đánh giá.

            Thứ hai, Quy trình đánh giá: quy định về các bước phải làm, thứ tự phải tuân theo khi tiến hành đánh giá. Trong đó phải đảm bảo 2 yếu tố là công việc phải làm và thời gian thực hiện. Quy trình giúp cho hoạt động đánh giá được thực hiện một cách thống nhất, các chủ thể tham gia đánh giá có cùng quan điểm, cách tiếp cận, cùng thực hiện theo cách thức, nghiệp vụ tương tự nhau từ đó hạn chế sai sót mang tính chủ quan hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa..

            Thứ ba, Tiêu chí đánh giá: quy định các tiêu chí đánh giá cụ thể để kết quả đánh giá được thống nhất. Các tiêu chí có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó là cơ sở để đánh giá sự phát triển của 1 tổ chức KH&CN qua các thời kỳ hoặc giữa các tổ chức KH&CN trong cùng thời kỳ với nhau. Qua kết quả đánh giá tổ chức KH&CN cụ thể, có thể phục vụ việc phục vụ việc đánh giá, phân tích chính sách. Do vậy các tiêu chí cần tính đến sự bình đẳng; tính hiệu quả; lợi ích công cộng và lợi ích đặc thù…

            Thứ tư, Xử lý kết quả đánh giá: quy định việc áp dụng các quy định pháp luật cụ thể để xử lý kết quả đánh giá, bao gồm cả khen thưởng và kỷ luật. Trong đó phải xác định (hoặc dẫn chiếu) rõ quy định về hệ thống pháp luật được áp dụng, chủ thể tiến hành, hình thức khen thưởng, kỷ luật…

            Trên bình diện rộng hơn, thông qua hoạt động tổng kết, đánh giá tổ chức KH&CN có thể đánh giá Nghị định 115 với 4 nội dung chính:

            - Việc thực hiện có đáp ứng được yêu cầu quản lý và mục tiêu quản lý đề ra hay không?

            - Xác định được nhưng gì cần thay thế, có phù hợp hay không phù hợp

            - Cách thức để hoàn thiện cơ chế, chính sách

            - Khả năng đáp ứng về mặt tài chính cho việc thực hiện cơ chế, chính sách.

            Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù cơ chế giám sát, đánh giá đối với tổ chức KH&CN còn chưa hoàn chỉnh nhưng tính cấp thiết chưa thực sự rõ nét. Nguyên nhân là do "vòng đời" của chính sách chưa đến điểm phát sinh, quá trình triển khai thực hiện vẫn ở những giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi chính sách "thấm" đủ độ vào đời sống kinh tế xã hội, các quan hệ xã hội mà cơ chế điều chỉnh sẽ vận hành theo những quy luật khách quan vốn có thì chắc chắn yêu cầu giám sát, đánh giá nảy sinh. Nếu đến lúc đó mới tìm hiểu và xây dựng giải pháp thì việc xử lý đã có phần "chạy theo thực tiễn", mang tính tình thế, sự vụ. Do vậy, việc dự báo tình hình và hoàn chỉnh chính sách cũng nên được quan tâm và thực hiện ngay từ bây giờ.

 

*                                            *

*

 

            Tóm lại, quá trình đưa tinh thần doanh nghiệp vào tổ chức KH&CN, tạo cho nhà khoa học nói chung và thủ trưởng tổ chức KH&CN có tinh thần "kinh - thương" không nên dừng lại ở việc chỉ tạo ra động lực thông qua các điều kiện thuận lợi về tài chính, tổ chức, hoạt động mà còn phải đưa vào đó cả sự công bằng, sòng phẳng của các quan hệ mang tính thị trường, tài sản gắn với trách nhiệm quản lý mang tính hành chính. Nói cách khác, bằng việc tạo ra các cơ chế khuyến khích song hành cùng cơ chế giám sát, đánh giá và xử lý phù hợp, chúng ta mong muốn nhà khoa học không những phải biết "dấn thân" theo tinh thần của người làm khoa học mà còn phải có lòng dũng cảm, sự tự tin của doanh nhân. Tất cả sự thay đổi dù là nhỏ nhất đều bắt đầu từ nhận thức và sự thay đổi trong tư duy của nhà khoa học cũng phải bắt đầu từ việc dám đối mặt với trách nhiệm và thử thách để đạt được thành công trong hoạt động khoa học - kinh tế - xã hội.

            Cùng với sự Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực thực hiện với trách nhiệm cao của Bộ KH&CN, sự hưởng ứng của các nhà khoa học chân chính và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, công cuộc "cởi trói cho chất xám" chắc chắn sẽ thành công. Khoa học và công nghệ sẽ thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần quan trọng trong cuộc cuộc xây dựng đất nước Việt Nam phát triển./.

 



[1] Báo cáo tại Hội nghị sơ kết Nghị định 115 tại TP Hồ Chí Minh do Bộ KH&CN tổ chức 3/2008

 

 

[2] Các ý kiến phát biểu của đại diện cơ quan chức năng tham dự cuộc họp về Nghị định 115 do Bộ KH&CN tổ chức tại Hà Nội ngày 10/11/2005

[3] Các ý kiến phát biểu của đại diện cơ quan chức năng tham dự cuộc họp về Nghị định 115 do Bộ KH&CN tổ chức tại Hà Nội ngày 10/11/2005

[4] Đổi mới phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các tổ chức KH&CN công lập, Trần Văn Tùng - Vụ TCCB, Tạp chí hoạt động khoa học số tháng 2/2011

 

[5] Đổi mới phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các tổ chức KH&CN công lập, Trần Văn Tùng - Vụ TCCB, Tạp chí hoạt động khoa học số tháng 2/2011

 

Lượt xem: 12248

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:32161
Lượt truy cập: 46274281