Chủ nhật, 22/12/2024 19:53 GMT+7
Thứ sáu, 25/09/2015 10:56 GMT+7

Một số vấn đề của cơ chế giải quyết tranh chấp quyền đối với sáng chế tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn của Hoa Kỳ

Trong những năm gần đây, phát triển khoa học và công nghệ được coi là quốc sách ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề cốt yết của khoa học và công nghệ là đầu tư, bảo hộ và khai thác sáng chế lại dường như chưa thực sự được nghiên cứu và có chính sách phù hợp. Trong bài viết này, qua phân tích so sánh quy trình giải quyết tranh chấp sáng chế tại Hoa Kỳ và Việt Nam, tác giả đề xuất một số gợi mở nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo hộ quyền đối với sáng chế và khai thác hợp pháp các giải pháp kỹ thuật đã bộc lộ vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển của đất nước.
Mở đầu

  Trình độ khoa học công nghệ thể hiện qua việc bảo hộ, thực thi và khai thác quyền đối với sáng chế là tiêu chí cơ bản, là thước đo sự phát triển của mỗi quốc gia. Các nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Nga cũng đồng nghĩa là các cường quốc về sáng chế. Trung Quốc sau một thời gian tụt hậu so với các nước phát triển những năm gần đây cũng đã vươn lên một cách đột biến về số lượng sáng chế được bảo hộ.

          Tại Việt Nam, nhiều người cho rằng pháp luật sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định liên quan đến sáng chế đã khá hiện đại, đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội đang đặt ra trong lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại, và đang tiệm cận dần với các quy định “chuẩn” quốc tế. Phải chăng quan điểm này là quá lạc quan? Trong bối cảnh Việt Nam đang có rất ít sáng chế “nội”, việc khai thác sáng chế “ngoại” một cách tối đa với chi phí rẻ được xem là con đường ngắn nhất để phát triển đất nước, nâng cao mức sống cộng đồng. Tuy nhiên, nhu cầu này dường như lại mâu thuẫn với quá trình hội nhập. Với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán ký kết trong thời gian gần đây như Hiệp định các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xu thế gia tăng độc quyền của chủ sở hữu sáng chế được ghi nhận rất rõ và đang là thách thức đối với sự phát triển của đất nước. Mặt trái của độc quyền có thể dẫn đến các hệ lụy như hạn chế nhu cầu chính đáng của công chúng được khai thác và sử dụng một cách hợp lý các thành quả của khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như đảm bảo y tế và chăm sóc sức khỏe con người.

          Vấn đề đặt ra là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần làm gì để vừa tích cực hội nhập, đảm bảo đủ tôn trọng quyền của chủ sở hữu sáng chế; vừa đảm bảo khai thác một cách hợp lý các giải pháp kỹ thuật như các sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm để công chúng có thể tiếp cận thuốc với giá cả phải chăng khi có nhu cầu chính đáng sử dụng sản phẩm này? Liệu các quy định về sáng chế theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã đủ rõ ràng để giải quyết tốt các tranh chấp theo hướng đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu sáng chế và lợi ích xã hội?

          Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ một số vấn đề về cơ chế giải quyết tranh chấp xảy ra trong quá trình sử dụng sáng chế đang có hiệu lực bảo hộ. (Ở Việt Nam, loại tranh chấp này thường nhắc đến dưới góc độ đơn chiều là hành vi “xâm phạm quyền đối với sáng chế”). Thông qua phân tích cơ chế xử lý vấn đề tại Hoa Kỳ và thực trạng giải quyết vấn đề này tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về vấn đề nêu trên.

1.Cơ chế giải quyết tranh chấp sáng chế tại Hoa Kỳ

        Xuất phát từ quan điểm quyền đối với sáng chế thuần túy là tài sản dân sự, mọi tranh chấp trong quá trình sử dụng và khai thác sáng chế tại Hoa Kỳ được giải quyết tại Tòa án với 2 cấp xét xử[1], trong đó:

  1. Xét xử sơ thẩm

        Khi có hành vi bị cho là xâm phạm quyền đối với sáng chế đang được bảo hộ xảy ra, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, chủ sáng sở hữu sáng chế (nguyên đơn) phải nộp đơn khởi kiện ra Tòa án. Tòa có thẩm quyền thụ lý đơn theo trình tự sở thẩm là bất cứ Tòa án nào theo khu vực pháp lý (District Courts), nơi mà nguyên đơn có cơ sở cho rằng bị đơn đang hưởng lợi từ  hành vi xâm phạm. Theo quy định này, trong nhiều trường hợp, bị đơn có thể bị khởi kiện tại nơi mà họ không có trụ sở hoặc hiện diện thương mại. Trong đơn kiện, nguyên đơn cần xác định rõ các thông tin cơ bản của vụ việc, trong đó có các thông tin về bị đơn, sáng chế được bảo hộ của nguyên đơn và hành vi bị cho là vi phạm của bị đơn.

        Sau khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Khu vực, nguyên đơn có nghĩa vụ thông báo yêu cầu khởi kiện đối với bị đơn, kèm theo Giấy triệu tập của Tòa án để giải quyết vụ việc. Trong vòng 21 kể từ khi nhận được Giấy triệu tập của Tòa án và được thông báo về đơn khiếu kiện của nguyên đơn, bị đơn cần đệ trình Bản trả lời yêu cầu khởi kiện, trong đó nêu rõ quan điểm của bị đơn đối với từng yêu cầu của nguyên đơn, xác định có hay không vi phạm như cáo buộc. Thời gian đệ trình Bản trả lời có thể được kéo dài đến 90 ngày theo sự thỏa thuận của các bên.

        Trong các vụ kiện xâm phạm quyền đối với sáng chế thông thường, cùng với việc trả lời các yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn thường tiến hành các biện pháp tự vệ như nộp yêu cầu phản tố (counterclaims) hoặc tiến hành các biện pháp phòng vệ chủ động, như khẳng định không vi phạm sáng chế, sáng chế đã hết hiệu lực hoặc nguyên đơn đã hết thời hiệu yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại. Bị đơn cũng thường phòng vệ bằng cách lập luận cho rằng nguyên đơn đã không trung thực khi nộp đơn đăng ký sáng chế, dẫn đến việc Bằng độc quyền sáng chế cần bị coi là vô hiệu và nguyên đơn không có quyền yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do việc sử dụng sáng chế. Hành vi không trung thực có thể bao gồm việc nguyên đơn có ý định lừa dối, gây nhầm lẫn cho thẩm định viên về các thông tin liên quan đến tình trạng bộc lộ của sáng chế.

        Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, nguyên đơn cần phải trả lời phản tố của bị đơn. Nguyên đơn cũng cần phải trả lời yêu cầu phản tố như cách mà bị đơn đã trả lời yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – có nghĩa là phủ định hay chấp nhận các cáo buộc. Bản trả lời cần phải đưa ra trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu phản tố.

Việc giải quyết tranh chấp quyền đối với sáng chế tại Tòa án sơ thẩm thể hiện rất rõ sự chủ động của các bên trong tranh chấp. Trước khi Tòa triệu tập phiên họp chính thức ấn định lịch xét xử, luật sư các bên phải gặp gỡ để thảo luận các vấn đề liên quan, trong đó có việc đề xuất lịch dự kiến xét xử với Thẩm phán. Trong cuộc họp chính thức theo sự triệu tập của Thẩm phán, các bên phải đệ trình báo cáo chung về các vấn đề đã thảo luận, trong đó có cả đề xuất dự kiến thời gian xét xử để Thẩm phán quyết định. Cùng với nỗ lực tự giải quyết vấn đề giữa các bên, Tòa án có thể có nhiều các hoạt động tố tụng với sự tham gia tích cực của các bên như:

        - Tìm hiểu, xác minh (Discovery):

        Đây là quá trình cơ bản để giải quyết vụ việc, bắt đầu từ khi Tòa thụ lý vụ án đến khi vụ kiện được đưa ra xét xử. Quá trình này có thể bao gồm nhiều hoạt động tố tụng như tìm hiểu xác minh các sự kiện (Fact Discovery) và tìm hiểu xác minh của các chuyên gia (Expert Discovery). Phạm vi thông tin trong quá trình tìm hiểu, xác minh rất rộng, bao gồm cả các vấn đề không trực tiếp đề cập đến trong yêu cầu khởi kiện hay yêu cầu phản tố, nhưng có khả năng dẫn đến các chứng cứ có thể được chấp nhận. Trong quá trình này, các bên có thể đưa ra yêu cầu trao đổi, cung cấp một số lượng không có giới hạn tài liệu. Trong nhiều vụ kiện sáng chế do các công ty lớn tiến hành, các tài liệu mà các bên yêu cầu được trao đổi, tiếp cận có thể lên đến hàng triệu trang.

        - Lệnh bảo vệ - Xử lý thông tin mật.

        (Protective Orders - Handling of Confidential Information): Trường hợp quá trình tìm hiểu xác minh có thể dẫn đến việc xem xét các tài liệu thông tin nhạy cảm, Tòa có thể ra “lệnh bảo vệ” để xử lý thông tin mật của các bên. Ví dụ, lệnh bảo vệ thường cho phép một bên chỉ ra các tài liệu là "rất bí mật" chỉ luật sư đại diện cho bên kia được xem, và hạn chế quyền truy cập các thông tin của các chuyên gia pháp lý bên ngoài hoặc các chuyên gia kỹ thuật là nhân chứng được Tòa án công nhận.

     - Xác định phạm vi và yêu cầu bảo hộ  (Phiên điều trần Markman):

        Phiên điều trần Markman có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình Toà giải quyết vụ án và đây là hoạt động tố tụng then chốt trong quá trình giải quyết vụ kiện xâm phạm sáng chế tại Mỹ. Phiên điều trần Markman (được đặt tên theo vụ kiện tại Tòa án tối cao Markman v. Westview Instruments) được tiến hành với mục đích xác định ý nghĩa và phạm vi của yêu cầu bảo hộ sáng chế, làm cơ sở đánh giá có hay không yếu tố vi phạm như cáo buộc đối với bị đơn. Tại phiên điều trần, luật sư và chuyên gia của các bên đệ trình các báo cáo về các tình tiết đã được làm rõ trong quá trình tìm hiểu, xác minh. Đồng thời, đại diện của các bên cũng tiến hành trao đổi và đối thoại trực tiếp. Tuy nhiên, đối với thẩm phán, bằng chứng quan trọng và có giá trị quyết định đầu tiên thường là các bằng chứng nội tại, bao gồm ngôn ngữ thể hiện tại yêu cầu bảo hộ, bản mô tả sáng chế và lịch sử đăng ký sáng chế (những trao đổi được ghi chép lại của người nộp đơn và Cục Sáng chế). Thuật ngữ tại yêu cầu bảo hộ được hiểu theo cách mà người có kỹ năng trung bình trong lĩnh vực khi đọc tài liệu đơn có thể hiểu theo thói quen và ý nghĩa thông thường[2]. Có thể nói phiên điều trần Markman là một “phiên toà mini”, có ý nghĩa then chốt trong việc định hướng giải quyết vụ việc vì có nhiều trường hợp kết quả giải quyết vụ việc phụ thuộc vào ý nghĩa của một vài từ trong yêu cầu bảo hộ sáng chế được giải thích tại “Markman ruling”.  

-       Xét xử vụ việc:

        Do chi phí tố tụng sáng chế ở Hoa Kỳ rất tốn kém nên sau khi khởi kiện ra tòa, các bên thường cố gắng tự giải quyết vụ việc sớm nhất có thể. Có thể nói sau phiên điều trần Markman, với việc phạm vi của yêu cầu bảo hộ đã được làm rõ, phần lớn các vụ việc đã được các bên thương lượng giải quyết. Chỉ có khoảng dưới 5% các vụ kiện sáng chế được đưa ra xét xử. Khi mở phiên xét xử, Tòa án có thẩm quyền giới hạn thời gian của phiên xét xử bằng cách ấn định thời lượng tranh tụng của các bên trong tranh chấp. Đa số các phiên tòa xét xử tranh chấp sáng chế kéo dài trong khoảng 2 tuần.

        Phiên xét xử liên quan đến sáng chế thường do bồi thẩm đoàn tiến hành. Sau khi thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên tòa, tòa nghe nhân chứng tuyên thệ và tranh luận. Một số phiên tòa có sự tham gia của các chuyên gia với tư cách là nhân chứng về các vấn đề liên quan đến sáng chế đang tranh chấp và chuyên gia tư vấn các vấn đề về kỹ thuật cho bồi thẩm đoàn. Thông thường, chủ sở hữu sáng chế là người có nghĩa vụ chứng minh hành vi xâm phạm đã được bị đơn tiến hành. Bị đơn có quyền phản đối yêu cầu của nguyên đơn với lập luận sáng chế không có hiệu lực nhưng lập luận này phải được chứng minh bằng những bằng chứng không thể nghi ngờ về sự rõ ràng và tính thuyết phục. 

Các vấn đề phức tạp của luật sáng chế được trình bày và xem xét bởi thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Trong đó, thẩm phán xem xét và xác định các vấn đề công bằng và pháp luật thuần túy; các bồi thẩm viên xem xét và xác định các vấn đề thực tiễn. (Ví dụ như, liệu tác giả sáng chế đã có ý thức về yêu cầu được nêu ra tại thời điểm xin cấp bằng sáng chế? Liệu tác giả sáng chế đã mô tả đủ rõ để người có kiến thức trung bình trong lĩnh vực có thể thực hiện và sử dụng nó?). Bồi thẩm có thể xác định vấn đề về lợi nhuận bị đánh mất nếu có, và số lượng thiệt hại. Trong trường hợp hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế được xác định và có căn cứ xác định hành vi được tiến hành do lỗi cố ý của bị đơn thì bị đơn có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại gấp 3 lần số thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm gây ra.

Cuối phiên tòa, bồi thẩm đoàn thảo luận và đưa ra phán quyết. Sau khi bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết, bản án được công bố, chính thức ghi nhận kết quả vụ kiện.

        2.2. Xét xử phúc thẩm

Sau khi bản án đã công bố, bên thua kiện có thể kháng cáo. Kháng cáo được nộp tại Tòa án phúc thẩm liên bang tại Washington, DC ( thường gọi tắt là Tòa Liên bang, hoặc CAFC ). Gần một phần ba các trường hợp kháng cáo tại Tòa Liên bang là các vụ việc sở hữu trí tuệ, trong đó hầu hết các trường hợp là liên quan đến sáng chế[3]. Số các vụ việc kháng cáo sáng chế được nộp tại Tòa Liên bang các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 471, 448 và 523 vụ[4] cho thấy hoạt động tranh tụng đối với sáng chế tại Hoa Kỳ diễn ra hết sức sôi động.

Phán quyết của Tòa Liên bang thường là phán quyết chung thẩm vì chỉ trong trường hợp rất hạn chế (như có sự thay đổi về luật áp dụng) phán quyết của CAFC mới bị xem xét lại bởi Tòa án Tối cao. Khác với phán quyết của Tòa sơ thẩm chỉ có hiệu lực tại một khu vực pháp lý nhất định, phán quyết của Tòa Liên bang có tính pháp lý trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Vậy nên, có thể coi Tòa Liên bang là nơi tạo ra “tiền lệ pháp” trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp sáng chế tại Mỹ.

  1. Cơ chế giải quyết tranh chấp sáng chế tại tại Việt Nam

        Pháp luật Việt Nam không có quy định riêng về giải quyết tranh chấp xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng sáng chế. Khi có cơ sở để cho rằng sáng chế được bảo hộ đang bị xâm phạm bởi một tổ chức/cá nhân nào đó, chủ sở hữu sáng chế có thể tiến hành thực thi quyền đối với sáng chế được bảo hộ theo quy định chung dành cho các đối tượng sở hữu trí tuệ tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Cụ thể là, chủ sở hữu sáng chế có quyền: (i) áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm; (ii) yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (iii) yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; và (iv) khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 

        Có thể thấy rằng, việc “áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm” là biện pháp được chủ sở hữu sáng chế tiến hành đơn phương nhằm phòng ngừa sớm hành vi xâm phạm; và việc “yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại” là nỗ lực tự giải quyết tranh chấp giữa các bên mà không có sự tham gia của các thiết chế “cứng” về giải quyết tranh chấp. Như vậy, về mặt pháp lý, khi tranh chấp trong quá trình sử dụng sáng chế xảy ra, chủ thể quyền có thể sử dụng các thiết chế của nhà nước để tiến hành giải quyết tranh chấp theo hai phương là:

  • Khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (được biết đến là “biện pháp dân sự”); và
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm (được biết đến là “biện pháp hành chính”);

2.1. Biện pháp dân sự.

Pháp luật Việt Nam không có quy định riêng về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến sáng chế. Theo Khoản 2 Điều 29 và Khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự, tranh chấp xảy ra trong quá trình khai thác và sử dụng sáng chế vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tại tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kháng cáo bản án sơ thẩm đối với tranh chấp về sáng chế (nếu có) được giải quyết theo trình tự chung dành cho các kháng cáo các bản án dân sự được giải quyết bởi Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao.

Về quy định, khi khởi kiện vụ án dân sự, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc bị đơn chấm dứt hành vi vi phạm; xin lỗi cải chính công khai; tiêu hủy hàng hóa phương tiện vi phạm và bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần theo mức độ mà họ có thể chứng minh được[5]. Ngoài ra, khi khởi kiện hoặc trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế dường như có rất ít tranh luận về việc liệu áp dụng trình tự như quy định Luật tố tụng dân sự hiện tại trong giải quyết tranh chấp quyền đối với sáng chế có phù hợp? Có chăng, chỉ có một số quan điểm từ phía các đại diện sở hữu công nghiệp đưa ra từ góc độ bảo vệ lợi ích của chủ thể quyền. Trong khi các đại diện chủ thể quyền lại cho rằng cơ chế kiện dân sự hiện tại là rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả thì  ngành tòa án lại chưa nhận thấy sự cấp thiết phải quy định riêng hoặc hoàn thiện cơ chế hiện tại để giải quyết tranh chấp đối với sáng chế. Theo ngành tòa án, có quá ít vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ đặc biệt là tranh chấp sáng chế được nộp cho tòa giải quyết, do vậy, tòa ưu tiên hoàn thiện cơ chế giải quyết các loại vụ việc khác đang cấp bách hơn.

Thực tế trên dẫn đến hệ quả là chủ thể quyền không chủ động bảo vệ quyền dân sự bằng biện pháp dân sự, và theo hướng ngược lại cơ chế dân sự có rất ít tác dụng để giải quyết tranh chấp xảy ra trong quá trình sử dụng sáng chế. Các báo cáo của ngành Tòa án trong thời gian gần đây cũng không đưa ra được bất cứ số liệu nào về các vụ việc xử lý tranh chấp quyền đối với sáng chế được thụ lý và giải quyết tại tòa án các cấp[6].

2.2. Biện pháp hành chính

Trái ngược với không khí khá yên ả và tĩnh lặng tại tòa án, cơ chế hành chính được áp dụng khá thường xuyên để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng. Biện pháp thường này được nhắc đến với cụm từ “xử lý xâm phạm quyền” và là một cách thức hết sức đặc thù của Việt Nam. Với cơ chế này, chủ thể quyền có thể yêu cầu nhà nước sử dụng các cơ quan hành chính công quyền để bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo quy định.

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan hành chính có thẩm quyền “xử lý xâm phạm quyền” sở hữu công nghiệp khá đa dạng, trong đó đáng kể là Công an kinh tế; Quản lý thị trường; Hải quan và lực lượng Thanh tra thuộc nhiều bộ ngành khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có Thanh tra Khoa học Công nghệ là lực lượng có thẩm quyền xử phạt hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế.[7]  Lý do của “độc quyền” này được cho là xử phạt hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có trình độ pháp lý và kiến thức chuyên ngành nhất định.

Khi có hành vi bị cho là xâm phạm xảy ra, để tiến hành “xử lý xâm phạm quyền” chủ sở hữu sáng chế, trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam nộp “Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm” cho cơ quan Thanh tra Khoa học Công nghệ (Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Thanh tra các Sở Khoa học và Công nghệ). Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm cần nêu rõ đối tượng là sáng chế đang được bảo hộ; giải pháp kỹ thuật bị cho là vi phạm (dưới sạng sản phẩm hoặc quy trình, có kèm theo mẫu nếu có thể); chi tiết về tổ chức, cá nhân vi phạm và biện pháp yêu cầu xử lý.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn, Thanh tra Khoa học và Công nghệ cần tiến hành xem xét đơn yêu cầu xử lý xâm phạm và các chứng cứ kèm theo. Nếu đơn đáp ứng yêu cầu, Cơ quan Thanh tra thông báo cho tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm về dự định thời gian, thủ tục và biện pháp xử lý. Chủ thể quyền có thể được yêu cầu hợp tác, hỗ trợ trong thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm. Trong quá trình xem xét xử lý đơn, Thanh tra Khoa học Công nghệ có thể yêu cầu bên bị cho là vi phạm cung cấp thông tin, chứng cứ, giải trình; yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cho ý kiến chuyên môn hoặc hoặc trưng cầu giám định để xác định yếu tố vi phạm.

Cho đến thời điểm hiện tại, để xử lý hành vi bị cho là xâm phạm quyền, cơ quan có thẩm quyền gần như dựa hoàn toàn vào ý kiến chuyên môn do Cục Sở hữu trí tuệ hoặc kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ trên cơ sở trên cơ sở xem xét các tài liệu, thông tin được cung cấp. Theo tổng kết hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2014 cơ quan quan này đã xử lý 8 vụ việc xâm phạm quyền đối với sáng chế, trong số đó có 6 vụ việc xâm phạm quyền sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm[8].

Như đã đề cập, biện pháp hành chính đang là sự lựa chọn ưu tiên của chủ thể quyền vì cho rằng với biện pháp này các chủ thể quyền có thể nhanh chóng đạt được mục đích là buộc bên bị cáo buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Trong khi một mặt, các chủ thể sáng chế cho rằng chế tài hành chính còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhưng mặt khác họ lại khá “thờ ơ” trong việc tiến hành khởi kiện dân sự để yêu cầu áp dụng chế tài mạnh mẽ đối với bên vi phạm như buộc bồi thường thiệt hại. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng mâu thuẫn này? Đâu là những đặc thù cần có của cơ chế giải quyết tranh chấp sáng chế tại Việt Nam?; Và đâu là những bất cập của nó? Phân tích so sánh tại Mục 3 dưới đây là một góc nhìn của tác giả về vấn đề này.

  1. Nhận dạng những bất cập, hạn chế  

        Để nhận dạng rõ hơn những vấn đề của cơ chế giải quyết tranh chấp sáng chế tại Việt Nam, trước tiên cần hiểu rõ thực trạng sáng chế trong nước. Theo báo cáo thường niên của Cục Sở hữu trí tuệ những năm 2013, trong tổng số 1262 đơn sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam chỉ có 59 đơn là sáng chế của các tác giả Việt Nam (chiếm 4,67%). Thống kê các năm trước đó cũng cho số liệu tương tự vào khoảng dưới 5% tổng số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ là của các tác giả Việt Nam. Đa số các sáng chế liên quan đến các sản phẩm gia dụng, cơ khí, chế tạo máy. Sáng chế nội trong lĩnh vực thuốc tân dược là khoảng trắng. Số liệu này cho thấy Việt Nam là nước nhập khẩu ròng công nghệ để phát triển, đảm bảo y tế và sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, so với cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình sử dụng sáng chế được bảo hộ vốn rất phức tạp tại Hoa Kỳ, quy định pháp lý cũng như thực tiễn giải quyết vấn đề này tại Việt Nam dường như quá đơn giản và nhiều khác biệt. Đặc biệt là phương thức xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính có rất nhiều điều đáng bàn.

Không thể phủ nhận rằng thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính là điều cần thiết để thực hiện cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO trong bối cảnh hệ thống tư pháp còn chưa thực sự phát triển để đảm đương vai trò này. Từ đó đến nay, cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính ngày càng được hoàn thiện và có những đóng góp tích cực vào việc đảm bảo quyền và lợi ích cho chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, từ góc độ đảm bảo hài hòa giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích cộng đồng, cơ chế xử lý xâm phạm quyền đối với sáng chế bằng biện pháp hành chính dường như đang làm Việt Nam “thiệt đơn thiệt kép”. Cụ thể:

  1. Về chi phí:  

          Kinh nghiệm Hoa kỳ cho thấy việc xử lý một vụ kiện xâm phạm quyền đối với sáng chế là hết sức phức tạp và tốn kém. Chi phí trung bình cho một vụ kiện tối thiểu là khoảng 650 nghìn đô la. Chi phí này tăng lên theo tỷ lệ thuận với mức yêu cầu bồi thường thiệt hại mà nguyên đơn đưa ra trong vụ việc và giữ ở mức khoảng 20% giá trị tranh chấp cho các trường hợp. Ví dụ, nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiết hại từ khoảng 1 triệu đến 25 triệu đô là thì chi phí cho vụ kiện sẽ vào khoảng 2,5 triệu đô la; và nếu mức bồi thường thiệt hại dự tính trên 25 triệu đô la thì chi phí cho vụ kiện sẽ không dưới 5,5 triệu đô la[9].

          Chi phí cao khiến chủ sở hữu sáng chế phải cân nhắc hết sức cẩn trọng khi quyết định nộp đơn khởi kiện ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cũng vì chi phí kiện tụng cao, nên các bên trong quá trình tố tụng đều nỗ lực cao nhất để đi đến thỏa thuận kết thúc vụ kiện khi đã nhận thấy khả năng “thắng” hoặc “thua” hiện hữu. Con số chỉ dưới 5% các vụ việc Tòa án đã thụ lý được đưa ra xét xử sơ thẩm là minh chứng cho sự hiệu quả của tính chủ động giải quyết tranh chấp của các bên.

          Trong khi đó tại Việt Nam, Tòa án gần như chưa có bất cứ thực tế nào được công bố về xử lý tranh chấp sáng chế. Các quy định về án phí và lệ phí tòa án theo quy định của Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/2/2009 của Ủy ban Thường vụ quốc hội được áp dụng cho các vụ kiện dân sự vẫn chưa được kiểm chứng liệu đã phù hợp với việc giải quyết vụ kiện xâm phạm quyền đối với sáng chế. Tuy nhiên, trên văn bản, con số mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch từ 5% giảm xuống 2% tỷ lệ ngịch với giá trị tăng dần của tranh chấp cũng phản ánh mức khác biệt khá xa so với thực tế chi phí cho vụ kiện tại Hoa Kỳ.

          Hơn nữa, đặc biệt đáng quan ngại là hiện tại xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính đang đóng vai trò chủ đạo, mà đối với biện pháp này, ở thời điểm hiện tại nhà nước vẫn đang phải gánh toàn bộ chi phí cho vấn đề thực thi, bao gồm từ chi phí bộ máy, nhân lực, vật lực để tiến hành xử lý vi phạm, và thậm chí là chi phí cả cho việc vận chuyển, lưu giữ và tiêu hủy hàng vi phạm trong giải quyết vụ việc. Trong khi gánh nặng chi phí đang đè lên vai nhà nước, một số đáng kể các chủ thể quyền có tâm lý ỷ lại, lạm dụng biện pháp hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Họ không tiến hành giải quyết tranh chấp bằng biện pháp dân sự ngay cả khi việc tiến hành khởi kiện là hoàn toàn khả thi.

  1. Về cách thức giải quyết tranh chấp:

          Kiện tụng sáng chế tại Mỹ được xem là rất phức tạp. Nó có thể động chạm đến các bí mật và tài liệu nội bộ của các bên, bao gồm cả các hồ sơ nhạy cảm về tài chính, kế hoạch chiến lược, các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Việc luật sư và chuyên gia các bên được tiếp cận các tài liệu là cơ sở cho các bên có thể tiến hành các biện pháp tự vệ phù hợp, đảm bảo tính minh bạch của các hoạt động tranh tụng và phán quyết tại Tòa án.

          Tại Mỹ, trong quá trình tố tụng, thẩm phán và bồi thẩm đoàn được hỗ trợ tối đa để có thể có kết luận đúng đắn về bản chất kỹ thuật của tranh chấp. Cụ thể là, thông qua đội ngũ các chuyên gia của các bên và các chuyên gia là nhân chứng độc lập của Tòa án, các vấn đề phức tạp của sáng chế và công nghệ được lọc bỏ sự phức tạp đến mức có thể hiểu được đối với thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Trong quá trình tố tụng, luật sư sẽ giúp các nhân chứng là chuyên gia kỹ thuật đưa ra các từ ngữ khoa học mà bồi thẩm đoàn quen thuộc. Phương pháp trực quan được sử dụng rộng rãi để giúp bồi thẩm đoàn hệ thống lại các thông tin phức tạp và hiểu nó. Trong phiên xét xử, thẩm phán chia phiên tòa ra thành từng giai đoạn để vấn đề được giải quyết một cách hệ thống. Các vấn đề không ảnh hưởng đến bản chất vụ việc, gây nhiễu loạn bị loại bỏ. Những điểm quan trọng sẽ được phát triển theo trình tự tại phiên tòa với một tốc độ mà bồi thẩm đoàn có thể hiểu được. Và như vậy, mặc dù nội dung hết sức phức tạp nhưng việc giải quyết tranh chấp sáng chế tại Mỹ là khá “thấu tình đạt lý”.

          Trong khi đó tại Việt Nam, Tòa án gần như chưa có bất cứ kinh nghiệm nào về giải quyết tranh chấp sáng chế. Tòa án cũng không có các chuyên gia độc lập có thể làm nhân chứng hoặc các chuyên gia tư vấn kỹ thuật để có thể giúp thẩm phán (và các hội thẩm nhân dân) hiểu và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật một cách đúng bản chất, đảm bảo tính khách quan. Và như vậy, việc xác định hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế (nếu có) tại Tòa án sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Kết luận giám định của Viên Khoa học sở hữu trí tuệ là các đơn vị có chức năng cung cấp các ý kiến tham khảo về vấn đề này. Thực tế cho thấy trong xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính, các tổ chức này cũng thường xuyên cung cấp ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi; Tuy nhiên, các ý kiến được cung cấp trong nhiều trường hợp là duy ý chí và không toàn diện.

Thêm nữa, trong lúc hoạt động tranh tụng để làm rõ bản chất tranh chấp tại Tòa án chưa phát triển, xử lý xâm phạm quyền đối với sáng chế bằng cơ chế hành chính đang được các chủ thể quyền ưu tiên sử dụng. Bản thân cụm từ “xử lý xâm phạm quyền” trong biện pháp hành chính đã cho thấy vị thế không cân bằng giữa các bên như nguyên đơn và bị đơn như trong tố tụng dân sự. Có vẻ dường như bên bị yêu cầu xử lý mặc nhiên bị coi là bên vi phạm. Mặc dù Nghị định 99/2013/NĐ-CP cũng có lồng ghép một số nội dung cho phép bên bị yêu cầu xử lý có quyền giải trình, cung cấp chứng cứ chứng minh về việc không vi phạm; nhưng về mặt tổng thể, vị thế của bên bị yêu cầu xử lý theo trình tự hành chính vẫn khá thiệt thòi so với vị thế của bị đơn trong trình tự dân sự. Người bị yêu cầu xử lý không có quyền phản tố hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp chủ thể quyền sáng chế lạm quyền, đưa ra các yêu cầu không phù hợp.

Trong bối cảnh Việt Nam đang là nước nhập khẩu công nghệ, nhiều khả năng bên bị yêu cầu xử lý (trong biện pháp hành chính) hoặc bị đơn (trong biện pháp dân sự) là các tổ chức/cá nhân Việt Nam đang khai thác các giải pháp kỹ thuật trùng hoặc tương đương với giải pháp kỹ thuật là sáng chế đang được bảo hộ của nước ngoài. Với trình tự giải quyết đơn giản như đã phân tích, khả năng hiện hữu là phần thua thiệt sẽ là các tổ chức/cá nhân Việt Nam. Bị đơn hoặc bên bị yêu cầu xử lý thiếu nhiều cơ hội được thực hiện một cách đầy đủ các quyền của mình để làm rõ nội dung vụ việc, yêu cầu phản tố hoặc thực hiện các biện pháp phòng vệ chính đáng khác.

  1. Về hiệu quả của hệ thống giải quyết tranh chấp:

Mặc dù các vụ việc tranh chấp sáng chế tại Mỹ là tốn kém, phức tạp và kéo dài, tuy nhiên, tính hiệu quả của cơ chế này là rất lớn. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, mỗi nỗ lực nhỏ cũng đều có giá trị để dẫn đến một thỏa thuận hoặc bản án đúng đắn và công bằng. Bằng một quá trình tìm hiểu, xác minh, với cơ chế xét xử bổi thẩm đoàn với hai cấp xét xử, hệ thống giải quyết tranh chấp sáng chế Hoa Kỳ thể hiện được sự công bằng trong xử lý các tranh chấp sáng chế với hiệu quả cao nhất. Bên bị thiệt hại được bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng. Các yêu cầu vượt quá giới hạn có thể chứng minh bị loại bỏ cùng với trách nhiệm pháp lý được gắn cho bên đưa ra yêu cầu.

Điều đáng nói là kết quả việc giải quyết tranh chấp sáng chế tại Hoa Kỳ đã góp phần tạo ra pháp luật bằng cách xử lý một cách thấu triệt các vụ việc liên quan đến các đối tượng chưa từng có. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, không có công nghệ là bị giới hạn, kể cả các công nghệ mới mà trước đó loài người chưa từng biết đến. Ví dụ như, các chủng vi sinh không phải là đối tượng bảo hộ sáng chế tại Mỹ cho đến trước vụ việc Chakrabarty được Tòa án tối cao Mỹ xét xử. Cũng sau vụ việc này, kỹ thuật di truyền trở nên một cuộc đua bảo hộ sáng chế và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Không có ngoại lệ nào là “phức tạp” và “không thể giải quyết” đối với Tòa án. Qua các vụ kiện sáng chế, nhiều Công ty mới thành lập nhưng sở hữu các sáng chế mang tính đột phá đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi. Có thể nói giải quyết tranh chấp sáng chế tại Mỹ ảnh hưởng đến từng cá nhân kinh doanh, các ngành công nghiệp và lịch sử phát triển của toàn xã hội.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Tòa án vẫn gần như đứng ngoài việc giải quyết các tranh chấp sáng chế do không được các chủ thể quyền (đa phần là các công ty nước ngoài) lựa chọn. Mặt khác, xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính như cách thức đang tiến hành mới chỉ nhằm đạt tới mục tiêu là đáp ứng các yêu cầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam với tư cách là thành viên WTO. Vấn đề bảo hộ và thực thi quyền đối với sáng chế một cách hài hòa với lợi ích cộng đồng dường như chưa được trú trọng một cách hợp lý, đặc biệt là lĩnh vực thuốc tân dược. Về vấn đề này, việc xác định hành vi xâm phạm theo nguyên tắc tương đương được các cơ quan chuyên môn áp dụng một cách khá “dễ dãi” mà chưa có các nghiên cứu và lý luận thấu đáo nào. Cần lưu ý rằng trong nhiều trường hợp nêu nguyên tắc tương đương một cách “hào phóng” sẽ là sự thua thiệt cho các nhà sản xuất trong nước trong việc tận dụng cơ hội để khai thác thành tựu kỹ thuật mới để phát triển.

4.Những giải pháp:

Năm 2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới. Kể từ đó đến nay, nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi hoặc ban hành mới với mục tiêu đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPS – thỏa thuận trụ cột trong WTO liên quan đến sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ như thế nào để vừa đáp ứng các chuẩn tối thiểu của TRIPS, vừa khai thác một cách hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật để phát triển đất nước dường như còn rất ít được đề cập.

Về nguyên tắc chung, ngay tại Hiệp định TRIPS, các nước thành viên WTO xác định mục tiêu việc bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ là “góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, góp phần đem lại lợi ích chung cho người tạo ra và người sử dụng kiến thức công nghệ, đem lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, và tạo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ”[10]. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp định cho phép các thành viên tự quyết các biện pháp cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh xã hội của mình để “bảo đảm vấn đề y tế và dinh dưỡng cho nhân dân” và các biện pháp để “ngăn ngừa sự lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ bởi những người nắm quyền”, miễn rằng các biện pháp đó không trái với các quy định tại Hiệp định[11]. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển, khi mà người dân còn nghèo, có nhu cầu rất cao được đảm bảo dinh dưỡng, y tế và thuốc chữa bệnh.

Qua phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp đối với sáng chế tại Việt Nam từ kinh nghiệm thực tiễn của Hoa Kỳ, với mục tiêu ưu tiên sử dụng một cách hiệu quả các thành tựu khoa học và kỹ thuật vì lợi ích cộng đồng, Việt Nam có thể hoàn thiện nội luật theo hướng:

4.1. Về cơ chế tổng thể:

        Việt Nam cần sử dụng một cách hạn chế cơ chế xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính, từng bước chuyển dịch sang cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Trong đó, chúng ta cần trú trong nguyên tắc thực thi theo hướng kết hợp hài hòa lợi ích công cộng với lợi ích của chủ thể quyền trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

        Với những hạn chế mà cơ chế hành chính đã bộc lộ như đã phân tích, để giải quyết nhiệm vụ đặt ra, Việt Nam rất cần có các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng tại của Tòa án.

        Theo các chuyên gia, việc ngay lập tức dừng sử dụng cơ chế hành chính và chuyển toàn bộ sang xử lý tranh chấp bằng biện pháp dân sự là điều không khả thi. Nếu điều này xảy ra, nó có nhiều khả năng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của ngay chính chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, vốn đã quen tâm lý “ăn ngay” khá hiệu quả của cơ chế hành chính với thủ tục đơn giản và chi phí thấp.

        Tuy nhiên, đề xuất một lộ trình từng bước dịch chuyển cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính sang cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án là một điều cấp thiết. Điều này cũng giúp cho hệ thống giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam tương đồng với hệ thống giải quyết tranh chấp trên thế giới. Nêu cao trách nhiệm của chủ thể quyền, trả lại vị thế ngang bằng cho các bên và đảm bảo bên bị thiệt hại được bồi thường thỏa đáng sẽ là các điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính hiệu của của hệ thống. Về vấn đề này, mô hình giải quyết tranh chấp đối sáng chế tại Hoa Kỳ là kinh nghiệm hết sức đáng tham khảo và tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

4.2.Về quy định chi tiết:

             Việt Nam cần nghiêm túc nghiên cứu và quy định chi tiết về áp dụng nguyên tắc tương đương trong xác định xâm phạm quyền đối với sáng chế theo hướng có lợi cho phát triển sản xuất trong nước.

Hiện tại Việt Nam là nước đang phát triển và nhập khẩu công nghệ. Đa số các chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ là các tổ chức/cá nhân nước ngoài. Đối với thuốc tân dược, gần như 100% chủ sở hữu các sản phẩm thuốc thiết yếu, có tính ứng dụng cao đối với các bệnh nan y là các hãng dược phẩm nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia.

          Nhiều năm trước đây, các quốc gia hiện nay ở trình độ phát triển khá như Trung quốc, Hàn quốc (và xa hơn nữa là Nhật Bản) đã từng có giai đoạn là nước đang phát triển như Việt Nam. Trong thời gian đó, họ đã khá thành công trong việc khéo léo tận dụng và khai thác các thành tựu khoa học kỹ thuật tiến tiến của “người khác” để phát triển đất nước với triết lý “from imitation to innovation” (tạm dịch là: “từ bắt chước đến sáng tạo”)[12].

          Dưới sức ép của các điều ước quốc tế với các chuẩn bảo hộ ngày càng cao hiện nay, khả năng Việt Nam theo bước các nước đã kịp “tranh thủ” phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là rất khó. Với vị thế khá khiêm tốn về tiềm lực kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam khó có thể “mặc cả” để bảo hộ một cách hạn chế quyền đối với sáng chế của các chủ thể nước ngoài. Cụ thể là để hội nhập, chúng ta đã chấp nhận trọn gói tất cả các quy định TRIPS, và đang tiếp tục chuẩn bị chấp nhận các yêu cầu TRIPS+ trong các Hiệp định quốc tế, đa phương và song phương đang đàm phán ký kết. Trong hoàn cảnh đó, thực thi một cách “khôn khéo” các quyền được bảo hộ được xem như là một trong những giải pháp khả thi.

          Như đã phân tích, là quốc gia có trình độ phát triển khoa học và công nghệ hạn chế, nhiều khả năng người bị cho là xâm phạm quyền đối với sáng chế đang được bảo hộ là các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Trong trường hợp các tổ chức/cá nhân trong nước sử dụng các giải pháp kỹ thuật trùng (đồng nhất) với sáng chế đang được bảo hộ thì hành vi đó cần được xem là hành vi xâm phạm một cách không nghi ngờ. Tuy nhiên, trường hợp các tổ chức/cá nhân trong nước sử dụng các giải pháp kỹ thuật tương đương (không đồng nhất) với sáng chế đang được bảo hộ thì đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải xem xét một cách phù hợp với mục tiêu “cân bằng lợi ích” cộng đồng.

          Về vấn đề nêu trên, cần quy định các điều kiện cụ thể cho việc áp dụng “nguyên tắc tương đương” theo hướng hạn chế áp dụng nguyên tắc tương trong kết luận hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, đặc biệt là sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm.

4.3.Về một số nội dung khác:

        Cùng với nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp của Tòa án, nghiên cứu phát triển việc áp dụng nguyên tắc tương đương trong xác định xâm phạm quyền đối với sáng chế, Việt Nam cần bảo lưu việc không mở rộng phạm vi bảo hộ sáng chế dược và trú trọng nội luật hóa việc khai thác hợp lệ các “ngoại lệ” được phép trong sử dụng sáng chế được bảo hộ.

  Theo các quy định của TRIPS, chủ sở hữu sáng chế có độc quyền khai thác và sử dụng sáng chế trong thời hạn 20 năm, và sau thời gian đó, sáng chế đã được bộc lộ sẽ thuộc về cộng đồng. Các nhà sản xuất khác nếu quan tâm có thể tự do khai thác và sử dụng sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ. Đối với các nước đang phát triển thì điều này có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dược phẩm. Trong khi năng lực nghiên cứu của các nhà sản xuất trong nước còn hạn chế, việc sử dụng các sáng chế đã được bộc lộ và hết thời hạn bảo hộ để sản xuất các dược chất tương tự (còn gọi là thuốc genneric) là con đường nhanh và hiệu quả nhất để người dân có thể được tiếp cận thuốc giá rẻ.

Tuy nhiên, các nước phát triển dưới áp lực của các tâp đoàn dược lớn tỏ ra rất cứng rắn, muốn áp dụng triệt để quy định TRIPS và áp đặt TRIPS+ trong các Hiệp định thương mại quốc tế (như TPP). Trong đó, yêu cầu bảo hộ các dạng thức sử dụng mới của một chất đã biết thường xuyên được đề cập. Đây thực chất là cách để kéo dài thời gian bảo hộ sáng chế của các dược phẩm đã biết (được biết đến với thuật ngữ “evergreening”) và vấn đề này đang được phía Mỹ nỗ lực đạt được thỏa thuận trong đàm phán TPP.

          Theo một báo cáo khảo sát của WHO năm 2010 thì giá thuốc đại trà tại Việt Nam cao gấp 11,41 lần giá thuốc trung bình trên thế giới, giá thuốc đặc trị cao gấp 46,58 lần trung bình trên thế giới[13]. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần hết sức cân nhắc để không đánh đổi lợi ích thiết thực của cộng đồng lấy hứa hẹn lợi ích khác. Về vấn đề này, Ấn Độ đã thông qua quy định hạn chế độc quyền về hình thức mới của các loại thuốc cũ và Phillipines cũng có quy định về việc cấm evergreening năm 2008.

          Thêm nữa, khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ liệt kê các trường hợp chủ sở hữu sáng chế không được phép ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế, trong đó cho phép sử dụng sáng chế “nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm”. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định các trường hợp ngoại lệ mà bên thứ ba được phép sử dụng sáng chế đang được bảo hộ và không bị coi là xâm phạm quyền phù hợp với Điều 30 Hiệp định TRIPS. Đây có thể được xem là một cách tiếp cận đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội và lợi ích chủ sở hữu trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay[14].

Kết luận:

Mọi cam kết quốc tế hay quy định pháp luật quốc gia đều có một mục tiêu chung là hướng tới sự phát triển ổn định, đảm bảo một cách tốt nhất trong điều kiện có thể các quyền lợi về vật chất và tinh thần của người dân. Trên cơ sở đó,  các thiết chế xã hội trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nói chung và giải quyết tranh chấp sáng chế nói riêng cần phải đảm bảo góp phần thực hiện mục tiêu này. Xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp sáng chế với các quy định hợp lý có khả năng tận dụng cơ hội để phát triển đất nước, đảm bảo an sinh xã hội đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

 


[1] Irfan A. Lateef and Marko R. Zoretic (2010): “The U.S. Patent Litigation Process”.

 

 

 

[2] Phillips v. AWH Corp., 415 F.3d 1303, 1312-13 (Fed. Cir. 2005) (en banc).

 

 

[3] United States Court of Appeals for the Federal Circuit, www.cafc.uscourts.gov/about.html (March 31, 2010).

[4] “Charts for filing and disposition data for appeals in patent infringement cases”, www.cafc.uscourts.gov/the-court/statistics.

[5] Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

[6] Báo cáo sơ kết năm 2012, 2013,  2014 của Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn II (2012 – 2015).

[7] Điều 15, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

[8] Cơ sở dữ liệu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Thanh tra Bộ KH&CN.

[9] Báo cáo năm 2009 của Hiệp hội Luật Sở hữu trí tuệ Mỹ (The American Intellectual Property Law Association).

[10] Điều 7 Hiệp định TRIPS.

[11] Điều 8. Hiệp định TRIPS.

 

 

[12] Silvio M. Brondoni: “Innovation and imitation for global Competitive Strategies: The corporation Development Models of US, Japan, Korea, and Taiwan” (University of Milan 2013); và Jinxi Ding, Yajiong Xue, Huigang Liang, Rong Shao, Yongfa Chen: “From Imitation to Innovation: A Study of China’s Drug R&D and Relevant National Policies” (http://www.jotmi.org/index.php/GT/article/view/art191).

[13] Báo cáo “Giá thuốc khiến người dân ốm yếu hơn và nghèo hơn”, Văn phòng WHO tại Viêt Nam, 2010.

[14] Bài viết của Tác giả:“Về ngoại lệ trong bảo hộ sáng chế dược và vấn đề cân bằng lợi ích giữa các chủ thể liên quan”. (Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 11 năm 2014)

 

 

Lượt xem: 27699

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:57278
Lượt truy cập: 47187739