Thứ năm, 14/11/2024 14:15 GMT+7
Thứ ba, 03/12/2013 16:25 GMT+7

Giới thiệu nội dung mới của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá

Giới thiệu nội dung mới của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá

 

  Phạm Văn Toàn

 Phó Chánh Thanh tra – Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Ngày 19 tháng 7 năm 2013, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 80/2013/NĐ-CP). Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2013. 

       

  I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH 80/2013/NĐ-CP

 

Để quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Quốc hội đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2007); Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 01/07/2008) và Luật Đo lường (có hiệu lực từ ngày 01/07/2012). Các văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng phát huy hiệu quả trong thực tiễn của đời sống xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Ngày 05 tháng 6 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 54/2009/NĐ-CP). Nghị định này đã góp phần quan trọng trong việc quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong thời gian vừa qua, là căn cứ pháp lý  để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng. Tuy nhiên, các quy định trong Nghị định 54/2009/NĐ-CP cần phải bổ sung, sửa đổi, thay thế để phù hợp với thực tiễn pháp lý và đời sống xã hội, bởi vì:

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, nhiều nội dung trong Nghị định số 54/2009/NĐ-CP không còn phù hợp do xây dựng trên cơ sở quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

 - Luật Đo lường năm 2011 (thay thế Pháp lệnh Đo lường năm 1999) có nhiều nội dung mới, trong đó một số hành vi vi phạm đã được luật hóa và cần cần bổ sung để điều chỉnh trong Nghị định xử phạt thay thế Nghị định số 54/2009/NĐ-CP;

 - Một số vi phạm quy định trong Nghị định 54/2009/NĐ-CP hiện đã bị thay thế, chồng chéo với văn bản mới ban hành hoặc thực tiễn áp dụng chưa phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm nên cần phải bổ sung, thay thế.  

 Từ lý do trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định 80/2013/NĐ-CP để thay thế Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.  

 

II. MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

 

1. Nội dung Nghị định 80/2013/NĐ-CP được ban hành phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tương thích với các quy định của Tổ chức WTO khi Việt Nam đã là thành viên.

2. Kế thừa những nội dung còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập quy định tại Nghị định số 54/2009/NĐ-CP, quy định lại những nội dung liên quan đã bị văn bản khác hủy bỏ, thay thế.

3. Bao quát đầy đủ và toàn diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá; xác định đúng đối tượng, xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm.

4. Tạo cơ sở pháp lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm góp phần vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

 

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH

 

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng gồm 4 chương với 35 điều.

Một số nội dung cơ bản của Nghị định:

Chương I. Quy định chung: gồm 3 điều (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định những vấn đề chung của Nghị định, bao gồm: phạm vi điều chỉnh; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân, tổ chức.

Chương II. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt: gồm 03 Mục với 25 điều (từ Điều 4 đến Điều 28), liệt kê các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng cùng các hình thức và mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng. Cụ thể: Mục 1: Vi phạm hành chính về đo lường, gồm 13 điều (từ Điều 4 đến Điều 16) quy định về:

Vi phạm về đo lường trong hoạt động giữ chuẩn quốc gia của tổ chức được chỉ định; vi phạm về đo lường trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường; vi phạm về đo lường trong sản xuất phương tiện đo; vi phạm về đo lường trong nhập khẩu phương tiện đo; vi phạm về đo lường trong sửa chữa phương tiện đo; vi phạm về đo lường trong buôn bán phương tiện đo; vi phạm về đo lường trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2; vi phạm về đo lường của kiểm định viên, tổ chức kiểm định; vi phạm về đo lường của nhân viên hiệu chuẩn, tổ chức hiệu chuẩn; vi phạm về đo lường của nhân viên, tổ chức thử nghiệm; vi phạm về đo lường đối với phép đo nhóm 2; vi phạm về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất hoặc nhập khẩu và vi phạm về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong buôn bán.

Mục 2: Vi phạm hành chính về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật,chất lượng sản phẩm, hàng hoá, gồm 8 điều (từ Điều 17 đến Điều 24) quy định về:

Vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng; vi phạm quy định về hợp chuẩn; vi phạm quy định về hợp quy; vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường; vi phạm quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận); vi phạm quy định về hoạt động đào tạo, tư vấn trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; vi phạm quy định về hoạt động công nhận và hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Mục 3: Vi phạm hành chính về nhãn hàng hoá và mã số, mã vạch, gồm 4 điều (từ Điều 25 đến Điều 28) quy định về:

Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa; vi phạm quy định sử dụng mã số mã vạch và vi phạm về sử dụng giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch.

Các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng phù hợp với các hành vi vi phạm, thể hiện được tính răn đe, tính khả thi cao. Mức phạt tiền được thiết kế ở khung hợp lý để phù hợp tính chất, mức độ và quy mô vi phạm; tránh tuỳ tiện trong quá trình xử phạt, đồng thời có tính toán để phù hợp với thẩm quyền của người được xử phạt, bảo đảm việc xử phạt được kịp thời và nhanh chóng.

Chương III. Thẩm quyền xử phạt: gồm 4 điều (từ Điều 29 đến Điều 32) quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp; Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ; Các cơ quan Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành và các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Chương IV. Điều khoản thi hành: gồm 03 Điều (từ Điều 33 đến Điều 35), quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành Nghị định.

 

IV. NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH

 

1. Điểm mới về hình thức và kỹ thuật xây dựng văn bản

 

Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã được tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; Công văn số 10099/BTP-PLHSHC ngày 19/12/2012 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Quyết định 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, những vấn đề đã hoặc sẽ được quy định trong những văn bản mang tính chất điều chỉnh chung sẽ không quy định tại Nghị định này (bỏ quy định về đối tượng điều chỉnh; thời hạn, thời hiệu; hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra).

 

2. Về mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền

 

- Về mức phạt tối đa

Theo quy định cũ, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa là 30 triệu đồng.

Thực hiện quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về mức phạt tối đa, ngày 10/5/2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội có Văn bản số 418/UBTVQH quy định về mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, theo đó, Nghị định 80 đã điều chỉnh mức phạt. Cụ thể: “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức là 200.000.000 đồng; Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150.000.000 đồng, đối với tổ chức là 300.000.000 đồng”.

 - Thẩm quyền xử phạt và lập biên bản vi phạm hành chính

Theo quy định cũ: ngoài các chủ thể là Chủ tịch UBND các cấp và lực lượng thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ có thẩm quyền xử phạt đối với toàn bộ các hành vi vi phạm, các chủ thể khác như: Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành khác, tùy thuộc vào phạm vi, thẩm quyền quản lý, năng lực chuyên môn đều có thẩm quyền xử phạt đối với một nhóm các hành vi nhất định.

Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã bổ sung làm rõ người đang thi hành công vụ của cơ quan Quản lý thị trường quy định tại Điều 45 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cũng được trao cho tất cả các chủ thể có thẩm quyền là công chức, viên chức đang thi hành công vụ và quy định bổ sung quyền lập biên bản vi phạm hành chính của trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành về tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định của luật chuyên ngành. Thẩm quyền xử phạt cụ thể đối với các chức danh được quy định cụ thể tại các điều 29, 30, 31của Nghị định.

Điểm mới này nhằm phát huy được sức mạnh và tính liên thông của hệ thống thực thi nhà nước, góp phần tăng cường khả năng phát hiện, xử lý vi phạm, từ đó sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

 

3. Một số điểm mới về nội dung so với Nghị định số 54/2009/NĐ-CP

 

Về cơ bản, Nghị định 80/2013/NĐ-CP kế thừa hầu hết các hành vi quy định trong Nghị định số 54/2009/NĐ-CP, một số hành vi được bổ sung hoặc thiết kế lại cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính và các luật chuyên ngành. Cụ thể:

 

3.1. Trong lĩnh vực đo lường

 

Thực hiện Luật Đo lường năm 2011, Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã bổ sung một số hành vi vi phạm theo quy định trong Luật Đo lường. Cụ thể:

- Hành vi vi phạm về đo lường trong hoạt động giữ chuẩn quốc gia của tổ chức được chỉ định (Điều 4);

 - Hành vi vi phạm về đo lường trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường (Điều 5);

- Hành vi vi phạm về đo lường trong sửa chữa phương tiện đo (Điều 8);

- Hành vi vi phạm về đo lường của nhân viên hiệu chuẩn, tổ chức hiệu chuẩn (Điều 12);

- Hành vi vi phạm về đo lường của nhân viên, tổ chức thử nghiệm (Điều 13).

Đối với hành vi vi phạm về đo lường trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2 (Điều 10), điểm mới cơ bản để xử lý hành vi này trong Nghị định 80/2013/NĐ-CP là mức phạt tính theo hành vi kết hợp giá trị của phương tiện đo (từ 1 triệu đồng trở lên), đồng thời đã tăng chế tài xử phạt đến 100 triệu đồng, ngoài ra, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là ”Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp từ 01 (một) tháng đến 06 (sáu) tháng trong trường hợp sử dụng phương tiện đo vi phạm quy định tại Khoản 4, 5 Điều 10. Đây là biện pháp tăng mức dăn đe và trao thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 29, 30, 31 của Nghị định.

Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong hoạt động thương mại bán lẻ” (Điều 7 Nghị định số 54/2009/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung thành “hành vi vi phạm về đo lường đối với phép đo nhóm 2” tại Điều 14 và thiết kế mức phạt theo quy định của Luật Đo lường.

 

  3.2. Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng

 

+ Hành vi vi phạm quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy quy định tại Điều 18, 19 được thiết kế theo hướng phạt theo giá trị của lô hàng vi phạm ở từng công đoạn thực hiện hành vi. Ngoài ra, đã điều chỉnh hành vi của người bán sản phẩm, hàng hóa vi phạm quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy.

+ Hành vi vi phạm về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn quy định tại Điều 10, 11 Nghị định số 54/2009/NĐ-CP được thiết kế lại tại Điều 15, 16 của Nghị định để phù hợp với quy định của Luật Đo lường 2011 về mức phạt (theo số tiền thu lợi bất hợp pháp có được).

+ Hành vi vi phạm quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận) tại Điều 21 được xây dựng để thay thế các quy định tại các điều 13, 15, 18, 19 của Nghị định số 54/2009/NĐ-CP. Nghị định cũng đã bổ sung hành vi vi phạm quy định về hoạt động đào tạo, tư vấn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Điều 22.

+ Hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa quy định tại Điều 25, 26 của Nghị định được thiết kế lại theo hướng phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm để phù hợp với thực tế xử phạt, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi.

 

4. Một số lưu ý khi xử phạt vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu

 

Căn cứ vào các luật chuyên ngành: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Đo lường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 (gọi tắt là Nghị định 80/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, hành vi vi phạm về sử dụng phương tiện đo, về chất lượng  sản phẩm, hàng hóa (trong đó có xăng dầu) lưu thông trên thị trường đã được quy định trong Nghị định 80/2013/NĐ-CP. Cụ thể, các hành vi và chế tài hành chính đã quy định chi tiết tại Điều 10 (xử phạt vi phạm trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2), Điều 20 (xử phạt vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường). Đây là chế tài đủ mạnh, thiết kế phù hợp với luật chuyên ngành về nội dung và mức phạt.

Ngày 27/8/2013, Chính phủ ký ban hành Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, tại Điều 22, 23 Nghị định này quy định hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu và hành vi vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Việc quy định về xử phạt hai hành vi nêu trên tại Nghị định 97/2013/NĐ-CP về bản chất là tương tự với xử phạt hành vi quy định tại Điều 10 (vi phạm trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2) và Điều 20 (vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường) của Nghị định 80/2013/NĐ-CP. Quy định này đã dẫn đến tình trạng cùng một hành vi vi phạm về sử dụng phương tiện đo; về chất lượng  xăng dầu lưu thông trên thị trường lại được điều chỉnh bởi 02 nghị định xử phạt với chế tài hành chính khác nhau áp dụng đối với người thực hiện hành vi vi phạm (Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng đề nghị bỏ Điều 22, 23 khi góp ý dự thảo Nghị định 97/2013/NĐ-CP).

VD: Cùng hành vi vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường  tại Điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP và hành vi vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu được quy định tại Điều 23 Nghị định 97/2013/NĐ-CP có mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả quy định khác nhau.

Theo quy định hiện hành, xăng dầu là sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, chất lượng xăng dầu được quản lý theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng và nhiên liệu điêzen (QCVN1: 2009/BKHCN); phương tiện đo để mua bán xăng dầu là phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định, được quản lý theo quy định của pháp luật về đo lường. Do vậy, hành vi nêu tại Điều 22, 23 phải được điều chỉnh trong Nghị định 80/2013/NĐ-CP nhằm phản ánh đúng bản chất của hành vi vi phạm cần xử lý và phù hợp với quy định của luật chuyên ngành. Nghị định 97/2013/NĐ-CP trong phần căn cứ ban hành không dựa trên quy định của Luật đo lường, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Từ những căn cứ và phân tích nêu trên, theo chúng tôi, nhằm đảm bảo tính pháp chế của hệ thống pháp luật, xử lý đúng bản chất của hành vi vi phạm và tránh tùy tiện khi áp dụng, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt cần áp dụng quy định tại Điều 10 và Điều 20 của Nghị định 80/2013/NĐ-CP để xử phạt đối với hành vi vi phạm về đo lường trong sử dụng phương tiện đo, vi phạm về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

 

Lượt xem: 22512

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:24458
Lượt truy cập: 45995254