Nội dung vụ việc:
Công ty Honda Motor (Nhật Bản) đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 4306 cấp ngày 01/08/1998; 7388 cấp ngày 5/11/2003; 8924 cấp ngày 19/01/2006; 9032 cấp ngày 16/2/2006; 10472 cấp ngày 5/4/2007; 10715 cấp ngày 28/6/2007 để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp xe máy.
Ngày 24/12/2007, Đoàn thanh tra được thành lập theo Quyết định số 64/QĐ-TTra ngày 19/12/2007 của Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra việc sản xuất, buôn bán các sản phẩm xe gắn máy của Công ty TNHH Trường Ngọc, những sản phẩm này đã bị Công ty Honda Motor tố cáo là xâm phạm kiểu dáng công nghiệp xe gắn máy được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 4306 (cấp ngày 01/08/1998); 8924 (cấp ngày 19/01/2006) và số 9032 (cấp ngày 16/2/2006) cho Công ty Honda Motor.
Tại thời điểm thanh tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện: kho hàng của Công ty Trường Ngọc đang tàng trữ 149 xe máy và 536 chi tiết nhựa để lắp ráp xe máy, tại Chi nhánh của Công ty Trường Ngọc đang tàng trữ 11 xe máy, những chiếc xe máy đã được lắp ráp hoàn chỉnh. Đại diện theo ủy quyền của Công ty Honda khẳng định các chi tiết nhựa gắn trên 160 xe máy nêu trên và 536 chi tiết nhựa còn lại trong kho không phải do Công ty Honda Motor sản xuất, hoặc cho phép người khác sản xuất hoặc có quan hệ kinh doanh với Công ty Trường Ngọc. Theo đại diện Công ty Trường Ngọc thì các chi tiết nhựa nói trên được Công ty nhập về để lắp ráp và thừa nhận có vi phạm kiểu dáng công nghiệp đối với xe máy của Công ty Honda
Vấn đề:
Xác định các chi tiết nhựa tạo kiểu dáng xe máy do Công ty TNHH Trường Ngọc lắp ráp có xâm phạm quyền về kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ cho xe máy theo các Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đang bảo hộ cho Công ty Honda Nhật Bản hay không?
Kết luận và quyết định xử lý:
Xem xét các chi tiết nhựa tạo kiểu dáng tạo ra kiểu dáng của xe máy do Công ty TNHH Trường Ngọc lắp, thấy rằng:
Các chi tiết nhựa lên xe máy mang nhãn hiệu “STARMAX” “NEVA ®”, “ASHITA” “MAXIMA”, “PIOGO”, “SH-LX”, “ATREA” tạo thành sản phẩm có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành kiểu dáng về tổng thể xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của xe máy đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty Honda (Nhật Bản) theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 4306, 8924. Việc lắp ráp các chi tiết nhựa tạo kiểu dáng công nghiệp xe máy này mà không do chủ bằng độc quyền hoặc người được chủ bằng độc quyền cho phép sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, vi phạm điểm khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 106/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Ngày 14/01/2008, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 01/QĐ-TTra xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về kiểu dáng công nghiệp đối với Công ty TNHH Trường Ngọc với số tiền phạt là 100.000.000đ, buộc tự loại bỏ các yếu tố vi phạm là các chi tiết nhựa tạo nên kiểu dáng vi phạm được lắp trên 160 xe máy mang nhãn hiệu “STARMAX”, “NEVA ®”, “ASHITA” “MAXIMA”, “PIOGO”, “SH-LX”, “ATREA” và 536 chi tiết nhựa là linh kiện vi phạm chưa lắp ráp.
Phân tích, bình luận:
Đây là kiểu dáng công nghiệp nên khi đánh giá yếu tố xâm phạm cần lưu ý đến các chi tiết có kiểu dáng mà hình dáng bên ngoài không khác biệt với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ. Khi tính giá trị hàng hoá vi phạm kiểu dáng chỉ tính giá trị của các chi tiết tạo ra kiểu dáng vi phạm, không bao gồm giá trị của cả chiếc xe.