Điều 5.A.2.4: Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
(Điều 205, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)
1. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:
a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;
b) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;
c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.
2. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại.
3. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.