Điều 5.I.1.17. Phối hợp xử lý vi phạm liên quan đến tên doanh nghiệp
(Điều 17 Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011)
1. Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp liên quan đến tên doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể yêu cầu bên bị yêu cầu xử lý cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ giải trình theo quy định tại Điều 5.D.3.27 khoản (3) điểm (a) của Phần này hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đưa ra một trong các văn bản sau đây:
a) Văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó đánh giá, kết luận tên doanh nghiệp có chứa yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại được bảo hộ hay không; việc sử dụng tên doanh nghiệp đó trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh liên quan có bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc cạnh tranh không lành mạnh hay không;
b) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đổi tên doanh nghiệp vi phạm.
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp là vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi văn bản đó cho chủ thể quyền, bên vi phạm và tạo điều kiện cho các bên tự thoả thuận, thương lượng trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được văn bản kết luận này:
a) Trường hợp các bên đã đạt được thoả thuận và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội theo quy định tại Điều 5.D.3.29 khoản (2) thì cơ quan có thẩm quyền ra văn bản thông báo ghi nhận sự thỏa thuận đó và dừng giải quyết vụ việc.
b) Trường hợp các bên không đạt được thoả thuận trong thời hạn quy định thì bên yêu cầu xử lý vi phạm gửi văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này kèm theo đơn đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp vi phạm theo quy định tại Điều 6.D.11.1 của Đề mục này.
c) Trường hợp doanh nghiệp có tên vi phạm không tiến hành thủ tục đổi tên doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định từ Điều 5.D.3.1 đến Điều 5.D.3.38 của Phần này.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này:
a) Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi quyết eđịnh xử phạt vi phạm hành chính cho các bên liên quan và cơ quan đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp đổi tên doanh nghiệp vi phạm theo quy định tại Điều 6.D.11.1 của Đề mục này;
b) Trường hợp doanh nghiệp có tên vi phạm không tiến hành thủ tục đổi tên doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan đăng ký kinh doanh căn cứ vào quyết định xử phạt để đưa thông tin việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.