Thứ sáu, 22/11/2024 21:41 GMT+7
Điều 2.X.1.1: Giải thích từ ngữ

(Mục I, Thông tư liên tịch số 04/2003/TTLT/BVHTT-BXD ngày 24/01/2003)

Một số thuật ngữ được hiểu như sau:

1. “Tác phẩm kiến trúc” theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 là các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) đã hoặc chưa xây dựng.

Tác phẩm kiến trúc bao gồm các bản vẽ thiết kế về mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của một vùng, một đô thị, hệ thống đô thị, khu chức năng đô thị, khu dân cư nông thôn.

Mô hình, sa bàn và bản thuyết minh (nếu có) về ngôi nhà cụ thể, công trình xây dựng hoặc quy hoạch không gian được coi là bộ phận không tách rời của tác phẩm kiến trúc, nhưng không thay thế bản vẽ thiết kế để được coi là tác phẩm độc lập.

2. “Sáng tạo tác phẩm kiến trúc” được hiểu là hoạt động tư duy của tác giả trực tiếp làm ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm thể hiện dưới dạng bản vẽ thiết kế.

3. “Sao chép tác phẩm kiến trúc” là hành vi vẽ lại một phần hoặc toàn bộ tác phẩm kiến trúc.

4. “Sao chụp tác phẩm kiến trúc” là hành vi  làm ra các bản sao giống hệt như tác phẩm kiến trúc hoặc một phần tác phẩm kiến trúc bằng cách chụp ảnh, photocopy hoặc bằng các phương pháp tương tự khác.

5. “Bản sao tác phẩm kiến trúc” là bản sao chép hoặc sao chụp lại một phần hoặc toàn bộ tác phẩm kiến trúc.

6. “Chủ sở hữu tác phẩm kiến trúc” là cá nhân hoặc pháp nhân sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

7. “Tác phẩm kiến trúc đồng tác giả” là tác phẩm do từ hai tác giả trở lên cùng sáng tạo ra.

8. “Tác phẩm kiến trúc khuyết danh” là tác phẩm kiến trúc không có tên tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố, phổ biến.

9. “Tác phẩm kiến trúc không rõ tác giả” là tác phẩm kiến trúc khi công bố, phổ biến chưa xác định được tác giả.

10. “Tác phẩm kiến trúc di cảo” là tác phẩm kiến trúc được công bố, phổ biến lần đầu tiên sau khi tác giả đã qua đời.

11. “Công bố, phổ biến tác phẩm kiến trúc” là việc thể hiện cho công chúng biết về tác phẩm thông qua xuất bản, thuyết trình, trưng bày hoặc giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khách online:61559
Lượt truy cập: 46253613