Thứ hai, 25/11/2024 22:02 GMT+7
Điều 5.I.1.5: Nội dung kiểm tra và đối tượng được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp
(khoản 1 Mục II, Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 được sửa đổi bổ sung bằng Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011)

1. Nội dung kiểm tra nghiệp vụ giám định quy định tại Điều 5.D.1.44 khoản (3)(d) Phần này bao gồm môn pháp luật sở hữu công nghiệp và các môn chuyên ngành giám định.

2. Môn pháp luật sở hữu công nghiệp là nội dung kiểm tra bắt buộc đối với tất cả các chuyên ngành giám định.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công tác soạn thảo và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thanh tra về sở hữu công nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, nghiên cứu, giảng dạy pháp luật về sở hữu công nghiệp tại tổ chức nghiên cứu, đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp, hoặc tư vấn về pháp luật sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa người đại diện sở hữu công nghiệp thì được miễn kiểm tra môn pháp luật sở hữu công nghiệp.

3. Các môn chuyên ngành giám định gồm môn giám định sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích) và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, môn giám định kiểu dáng công nghiệp, môn giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá) và môn giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác là nội dung kiểm tra đối với chuyên ngành giám định tương ứng.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công tác giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế, trực tiếp thực hiện hoặc xét duyệt kết quả về thẩm định (xét nghiệm) nội dung đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), hoặc đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế thì được miễn kiểm tra môn chuyên ngành giám định tương ứng.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục trực tiếp tiến hành thủ tục xác lập, thực thi quyền sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa người đại diện sở hữu công nghiệp  thì được miễn 01 môn chuyên ngành giám định tương ứng với lĩnh vực mà mình đã thực hiện nhiều vụ việc nhất.

Khách online:38464
Lượt truy cập: 46348760