Phóng viên: Với việc người lao động (NLĐ) tự quản lý sổ BHXH của mình và việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) giữ sổ BHXH có gì khác nhau và có liên quan gì đến quyền lợi của NLĐ không?
- Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM: Việc quản lý, bảo quản sổ BHXH tại đơn vị sử dụng lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2006 tồn tại một số bất cập như: cán bộ phụ trách công tác bảo quản sổ BHXH cho NLĐ chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển; đơn vị không có phương tiện chuyên dụng để bảo quản sổ BHXH trong khi thời gian bảo quản kéo dài, dễ bị ẩm mốc; tờ rời sổ BHXH bị thất lạc, thậm chí chủ sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho NLĐ khi có nhu cầu chuyển đến nơi làm mới; nhiều trường hợp đơn vị sử dụng lao động vẫn trừ tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng để sử dụng vào việc khác làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Như vậy, với việc NLĐ tự quản lý sổ và có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH, thông qua đó NLĐ biết được quá trình cũng như tiền lương tham gia BHXH.
BHXH TP đang quản lý bao nhiêu sổ BHXH? Việc trả sổ sẽ được triển khai như thế nào?
- Hiện nay, BHXH TP quản lý trên 2 triệu sổ BHXH, trong đó sổ được cấp trước ngày 31-12-2008 là 722.901 sổ; số còn lại được cấp sau năm 2008 (tờ bìa sổ). Đối với sổ BHXH đã cấp từ sau ngày 31-12-2008 đến nay, cơ sở dữ liệu đã có trong phần mềm quản lý tương đối đầy đủ, chỉ một số trường hợp chưa điền chức danh nghề. Đối với NLĐ có thời gian tham gia BHXH trước năm 2008, chưa có đầy đủ trong cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với đơn vị sử dụng lao động thực hiện. Cụ thể sẽ thông báo cho đơn vị sử dụng lao động nộp sổ cho cơ quan BHXH để nhập quá trình đóng, thông tin của người tham gia ghi trên sổ BHXH vào phần mềm quản lý.
Với việc tự quản lý sổ, người lao động biết được quá trình cũng như tiền lương tham gia BHXH Ảnh: KHÁNH AN
Khi nào NLĐ sẽ được nhận sổ?
- BHXH TP chỉ thực hiện bàn giao sổ cho NLĐ sau khi đã rà soát, nhập xong thông tin trên sổ BHXH của NLĐ vào cơ sở dữ liệu. Đối với sổ đã cấp trước 31-12-2008 thì sẽ thu hồi và cấp lại tờ bìa và toàn bộ tờ rời sổ BHXH. Đối với sổ BHXH sau năm 2008 (tờ bìa và tờ rời) thì không cấp lại mà chỉ điều chỉnh, bổ sung thông tin (nếu có).
Việc triển khai thực hiện rà soát và bàn giao sổ BHXH cho NLĐ sẽ thực hiện trong năm 2017, phấn đấu năm 2017 đạt 60% trên tổng số sổ BHXH phải bàn giao và hoàn thành việc rà soát trả sổ BHXH trước ngày 31-12-2018. Cơ quan BHXH sẽ phối hợp với đơn vị sử dụng lao động bàn giao trực tiếp sổ BHXH cho người lao động.
Với những đơn vị còn nợ BHXH của NLĐ thì sẽ giải quyết ra sao?
- Đối với trường hợp đơn vị sử dụng lao động còn nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp thì in tờ rời sổ BHXH, xác nhận thời gian đến thời điểm đơn vị đã đóng đủ tiền.
Sau khi nhận sổ, NLĐ phải làm sao để được ghi nhận tiếp thời gian tham gia BHXH? Trong quá trình tự giữ sổ BHXH; nếu NLĐ làm hư, làm mất sổ thì phải làm thế nào?
- Hằng năm, cơ quan BHXH tiếp tục in tờ rời sổ ghi nhận thời gian tham gia BHXH và giao cho NLĐ. Trong quá trình tự giữ sổ BHXH nếu NLĐ làm hư hoặc làm mất sổ thì liên hệ cơ quan BHXH nơi đang tham gia BHXH hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú để làm thủ tục cấp lại sổ.
Thực hiện theo luật mới
Việc quản lý sổ BHXH trước đây được quy định tại Luật BHXH năm 2006. Theo đó, NSDLĐ có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH trong thời gian NLĐ làm việc tại đơn vị và trả sổ khi người đó không còn làm việc. Đến nay, Luật BHXH 2006 đã được thay thế bởi Luật BHXH 2014 và luật này quy định kể từ ngày 1-1-2016, NLĐ được cấp, quản lý sổ BHXH và có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành rà soát và bàn giao sổ BHXH cho NLĐ quản lý.
Theo Người Lao Động