Chủ nhật, 22/12/2024 14:55 GMT+7

3 nguyên nhân gây tổn thương vai phổ biến mọi người cần tránh

Thứ ba, 22/02/2022 15:49 GMT+7

Khớp vai có cấu tạo rất phức tạp. Điều này giúp khớp linh hoạt nhưng cũng khiến nó dễ phát sinh vấn đề. Nếu bị chấn thương, cơn đau vai có thể dai dẳng và khó trị hết.

Vai được cấu tạo từ xương, mô liên kết, cơ bắp, dây thần kinh trong và quanh khớp vai. Vấn đề phát sinh ở bất kỳ bộ phần nào đều có thể dẫn đến đau vai, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Chấn thương, viêm, hoạt động quá sức hoặc yếu tố tuổi tác đều có thể khiến khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng. Khớp sẽ đau đớn mỗi khi cử động, thậm chí cứng khớp không thể cử động được.

Tùy theo nguyên nhân gây tổn thương mà bác sĩ sẽ dùng vật lý trị liệu, thuốc, phẫu thuật hay thậm chí thay khớp vai để giảm đau và phục hồi chức năng vận động.

Để bảo vệ khớp vai, mọi người cần tránh 3 tổn thương thường gặp sau:

Gãy xương vai

Vai được cấu tạo từ ba xương chính gồm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Chỉ cần một áp lực đủ lớn thì bất kỳ xương nào trong số này đều có thể bị gãy. Té ngã, chấn thương thể thao hay tai nạn giao thông là những nguyên nhân phổ biến làm gãy xương vai.

Các triệu chứng thường gặp của gãy xương vai là đau, sưng, bầm tím, đỏ, khớp thiếu ổn định, vai bị lệch hoặc biến dạng rõ rệt. Xương đòn là một trong những xương thường bị gãy nhất trên cơ thể, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên và những người hay chơi thể thao.

Tùy theo tình hình nạn nhân mà bác sĩ sẽ dùng các phương pháp điều trị như cố định, phẫu thuật hay phục hồi chức năng.

Trật khớp vai

Khớp vai là khớp linh động nhất trên cơ thể và ổ khớp khá cạn nên đây là vị trí dễ bị trật khớp nhất. Trật khớp vai thường là do té ngã hoặc chấn động mạnh vào vai.

Các triệu chứng của trật khớp vai gồm đau đớn dữ dội, sưng, bầm, đỏ, co thắt cơ, tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, bàn tay, khó hoặc không thể cử động cánh tay.

Điều quan trọng là khi bị trật khớp vai thì nạn nhân không được tự nắn lại vì như vậy có thể làm hỏng các mạch máu, dây thần kinh và các mô. Hạn chế cử động khớp càng nhiều càng tốt và đến bệnh viện kiểm tra.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ cho chụp X-quang và thực hiện điều chỉnh lại khớp. Bệnh nhân có thể được dùng thuốc an thần vì quá trình điều chỉnh lại khớp sẽ rất đau. Nếu vai tiếp tục bị trật khớp lần nữa thì bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để ổn định khớp tốt hơn.

Bong gân vai

Bong gân vai xảy ra khi dây chằng ở vai bị kéo căng hoặc rách. Bong gân có thể xảy ra do chấn thương trực tiếp ở vai như tai nạn giao thông hay té ngã trong tư thế dang rộng cánh tay.

Bong gân ở mức độ ít thì dây chằng sẽ bị kéo căng hoặc rách một phần. Tình trạng này chỉ gây đau và sưng nhẹ. Bong gân mức độ vừa thì sẽ đau và sưng nặng hơn. Bong gân mức độ nặng thì dây chằng sẽ bị rách nghiêm trọng và thể gây trật khớp.

Tùy theo mức độ năng mà bong gân vai sẽ được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá, dùng thuốc, cố định vai hay phải phẫu thuật, theo Healthline.

Ngọc Quý - Báo Thanh niên


 

Lượt xem: 1542

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:37095
Lượt truy cập: 13971960