Thứ hai, 23/12/2024 20:57 GMT+7

Những điều quan trọng cần biết để phòng tránh bệnh da liễu mùa lũ

Thứ tư, 21/10/2020 15:40 GMT+7

Sau những ngày dài ngâm mình trong nước lũ sẽ phát triển một số loại bệnh da liễu. Nếu để lâu không chữa trị sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt.

Nguyên nhân
 
Nước lũ gây ùn tắc cống, kéo theo nhiều rác sinh hoạt, chất thải, ùn ứ càng lâu ngày sẽ càng sinh ra nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh, đặc biệt là bệnh về da liễu.
 
Bên cạnh đó, một vài loại vi khuẩn thường có trên da khi gặp điều kiện thuận lợi như ẩm ướt sẽ tăng lên về số lượng, gây ra bệnh bao gồm: Enterobacter, Proteus, Corynebacterium, Micrococcus...
 
Các loại nấm như nấm vi sợi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum, nấm men Candida albicans hay nấm Blastomycetes cũng nằm trong số nguyên nhân gây bệnh về da liễu phổ biến trong mùa lũ.
 
Các loại bệnh thường gặp:
 
Ghẻ
 
Lúc đầu sẽ cảm thấy ngứa ở kẽ ngón tay, chân; kẽ ngực (phụ nữ); rãnh quy đầu; kẽ mông (ở trẻ em)... Ngứa nhanh chóng lan dần và đặc biệt ngứa về đêm. Mụn nhỏ xuất hiện ở vài vị trí, có chỗ là đường hang do ghẻ đào đục dưới da.
 
Bệnh ghẻ lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc vật lý giữa người với người, động vật với người.
 
Điều trị bệnh ghẻ cần dùng thuốc đặc trị. Bôi thuốc lên vùng da liên tục từ 10-15 ngày. Lưu ý nên điều trị những người bị bệnh cùng một lúc, kết hợp với giặt giũ chăn màn, quần áo... sạch sẽ.
 
Nước ăn chân
 
Bệnh nước ăn chân hay còn gọi là nấm da khi tay/chân tiếp xúc với nước thường xuyên.
 
Bệnh đi liền với các triệu chứng là nấm màu trắng đục xuất hiện ở các kẽ chân, sờ hơi ẩm hoặc nặng hơn là có mụn nước nhỏ gây ngứa ngáy. Nấm lan rộng tùy vào mức độ vi khuẩn ăn nặng nhẹ khác nhau.
 
Điều trị nấm ăn chân khá đơn giản, tuy nhiên cần sự kiên trì. Người bệnh sử dụng nước muối rửa sạch chỗ nấm, sau đó bôi thuốc trị nấm theo chỉ định của bác sĩ, nhân viên y tế.
 
Thông thường chỉ cần sau khoảng 4 ngày là khỏi. Để tránh tái nhiễm, người bệnh lưu ý hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, luôn hong chân khô ráo. Đồ họa: Đức Mạnh
 
Viêm nang lông
 
Bệnh bao gồm các triệu chứng: các mụn nhỏ đỏ, trắng xuất hiện quanh nang lông; mụn nước mủ vỡ ra; ngữa rát da; đau; một hoặc khối vết sưng lớn.
 
Cách thức điều trị viêm nang lông tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà chọn tự điều trị hoặc đến cơ sở y tế. Nếu nhẹ thì bạn sử dụng kem hoặc thuốc kiểm soát nhiễm trùng, giảm viêm. Còn nặng thì tốt nhất nên sớm đến cơ sở y tế.
 
Nếu như tình trạng bệnh lan rộng hoặc không mất sau vài ngày thì người bệnh cần đến cơ sở y tế khám chữa kịp thời. Đồ họa: Đức Mạnh
Bệnh mề đay
 
Nổi mề đay là một dạng dị ứng. Đặc trưng của bệnh là xuất hiện sẩn phù, quầng đỏ bao quanh và rất ngứa. Các sẩn phù này có thể xuất hiện từ 30-36 tiếng, kích thước khoảng 1mm cho đến vài cm.
Nổi mề đay không lây nhưng sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Đồ họa: Đức Mạnh
 
 
Nổi mề đay không lây lan nhưng cần chú ý chữa trị theo đơn thuốc từ bác sĩ. Lưu ý hạn chế gãi, ma sát trên vùng da bệnh; không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tránh lao động nặng gây toát mồ hôi.
 
Mụn rộp
 
Người bệnh xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu. Ban đầu là các vết đỏ, nề sau đó mụn nước xuất hiện thành cụm, hình tròn hoặc hình cầu, đều nhau. Sau vài ngày, mụn nước vỡ ra, đóng thành vảy tiết vàng hoặc hơi nâu, gắn chặt rồi bong ra để lại vệt đỏ nhưng không thành sẹo.
 
Khi xuất hiện bệnh tốt nhất nên đến cơ sở ý tế để khám chữa kịp thời. Đồ họa: Đức Mạnh
 
Biện pháp phòng tránh
 
- Dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống và tìm kiếm nguồn nước sạch để sử dụng.
 
- Không mặc quần áo ẩm ướt.
 
- Hạn chế lội nước. Nếu bắt buộc thì cần chuẩn bị đầy đủ găng, giày...
 
- Khi đã tiếp xúc với nước bẩn cần rửa ngay bằng nước sạch, hong khô phần da tiếp xúc.
 
- Cần chuẩn bị sẵn các dung dịch sát khuẩn như cồn, oxi già...
 
- Nếu đã bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, tránh gãi và đến ngay cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 2093

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:42127
Lượt truy cập: 13977532