Thứ ba, 21/01/2025 20:52 GMT+7

Đáng lo thói quen ăn nhiều thịt của người Việt

Thứ ba, 31/10/2017 15:23 GMT+7

Gần đây, khi giá thịt lợn giảm ở mức “chạm đáy”, giá thịt lợn có lúc rẻ ngang với giá rau cộng với phong trào giải cứu thịt lợn thì những bữa cơm của người dân dường như trở nên nhiều thịt hơn.

Có những gia đình, cơ quan tích cực ăn thịt lợn để hưởng ứng phong trào “giải cứu thịt lợn”.

Các chuyên gia sức khỏe lo ngại, việc tiêu thụ nhiều thịt có thể ảnh hưởng sức khỏe, chưa kể, nguồn thịt sạch hiện nay còn nhiều vấn đề đáng bàn cãi. 

Những bữa ăn đầy thịt

Vào cuối tháng 4.2017, khi phong trào giải cứu thịt lợn đang ở cao trào, nhiều đơn vị, cơ quan nhà nước đã hưởng ứng phong trào bằng cách đưa ra chỉ tiêu tiêu thụ thịt lợn để “toàn đơn vị cố gắng đạt được chỉ tiêu”.

Làm việc trong một trường Đại học ở TPHCM, anh N.T.S chia sẻ: “Nhà trường phát động phong trào nhằm khuyến khích nhân viên tiêu thụ thịt lợn giúp cho bà con nông dân. Gia đình tôi cũng vì thế mà ăn nhiều thịt hơn. Thay vì ăn chỉ 4-5 bữa thịt trong một tuần, có lúc vợ tôi mua mấy kg thịt lợn về để làm các món khác nhau có thể bảo quản được lâu như thịt ba chỉ ngâm nước mắm, chà bông, thịt kho trứng vịt… Được một vài tuần, tôi phải xin đình chiến với thịt lợn vì tăng 3 kg và nhìn thấy thịt là muốn bỏ chạy”.

Chị H.T.B.Y (ở Thủ Đức, TPHCM) cũng cho biết, nhà chị có 3 người, hai vợ chồng và một em bé 1 tuổi. Cứ cách ngày chị đi chợ 1 lần. Vậy mà ngày nào chị cũng mua 1kg thịt lợn để ăn trong 2 ngày hoặc nếu thịt bò thì mua 0,5kg: “Chồng tôi rất ghét ăn cá tôm. Chỉ ưng ăn thịt nên lúc nào quay qua quay lại cũng chỉ thịt bò hoặc lợn. Rau thì ăn rất ít, cả nhà chỉ có mình tôi biết ăn rau.

Khi tôi chia sẻ điều này với những người khác thì họ than trời vì sao ăn thịt nhiều thế? Tôi đã cố gắng giảm lượng thịt xuống thì chồng than trời vì… ăn không đã miệng”.

Là sinh viên một trường Đại học ở TPHCM, N.V.C (ở Phú Yên) cũng chia sẻ đang bị bạn bè “lên án” vì thân hình càng ngày càng phát tướng: “Em ở kí túc xá nên không có điều kiện nấu nướng, thường xuyên ăn cơm ở căn tin hoặc ra ngoài mua cơm hộp về ăn. Cơm họ nấu rất khô nên em chỉ thích ăn cơm với thịt kho, có chút nước chan vào cho dễ ăn. Phần rau, canh, củ quả xào đi kèm cơm em thường san cho bạn vì… không thích ăn”.

Những con số đáng báo động

Theo thống kê và dự báo của VCCI (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam) với lượng tiêu thụ thịt lợn như hiện nay, dự báo đến năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ thịt tại Việt Nam sẽ vượt mốc 4 triệu tấn. Chiếm gần 65% tổng sản lượng tiêu thụ, thịt lợn vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong bữa ăn của người Việt.

Ở Việt Nam, từng có những cảnh báo liên quan đến vấn đề dinh dưỡng đáng lo ngại. Như kết quả khảo sát tình trạng cholesterol của Viện Dinh dưỡng Quốc gia ở người trưởng thành tại Hà Nội, TPHCM, nông thôn, vùng núi và vùng trung du. Kết quả là sự gia tăng mỡ máu cao, đặc biệt là cholesterol liên quan đến chế độ ăn uống.

Ở thành thị tỷ lệ người có lượng cholesterol cao tới 44,3% (các vùng khác tỉ lệ này 29%), dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não… mà chỉ khi biến chứng, hay xét nghiệm máu mới phát hiện được và rất khó đối phó.

Mới đây, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM đã thực hiện một nghiên cứu tỷ lệ thừa cân béo phì, cao huyết áp trên 11.072 học sinh được chọn ngẫu nhiên tại 30 trường học cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP. Các học sinh tham gia nghiên cứu được đo chiều cao, cân nặng, vòng bụng và huyết áp. Kết quả tỷ lệ thừa cân béo phì là 41,4%, trong đó 19% ở mức độ béo phì.

Qua những số liệu có thể thống kê được, có thể nói, việc tiêu thụ quá nhiều thịt có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, mỡ máu cao hiện nay.

Bên cạnh đó, hệ quả từ những bữa ăn đầy thịt cũng có thể được lường trước khi mà liên tục trong thời gian gần đây, độ an toàn của thịt trở thành tâm điểm của sự chú ý từ dư luận. Điển hình là vụ 3.750 con lợn ở TPHCM bị phát hiện tiêm thuốc an thần khi chuẩn bị đem đi giết mổ. Con số này khiến nhiều người lo ngại vì không ai có thể dám đảm bảo, đây là lần đầu tiên người ta tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi đưa ra thị trường. Đã có bao nhiêu con bị tiêm thuốc từng được người dân tiêu thụ.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan trưởng Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, người ăn phải thịt có thuốc sẽ bị buồn ngủ, có vẻ trầm cảm, hết hào hứng với mọi thứ; gây tụt huyết áp, rất hại với bệnh nhân bị các bệnh mãn tính, người bị bệnh tim.

Trước đó, các cơ quan chức năng chức cũng đau đầu vì tình trạng chất tạo nạc trong thịt lợn, tồn dư thuốc kháng sinh, chất tăng trọng…Đây là những chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là với những ai tiêu thụ lượng lớn.

Mỗi ngày ăn bao nhiêu thịt là đủ?

Nói về vấn đề cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn, TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, thịt là nguồn protein rất tốt, đồng thời cung cấp nhiều loại vitamin, chất khoáng quan trong cần cho hoạt động của cơ thể. Thịt đỏ, như thịt bò, thịt heo, cừu… là nguồn sắt dồi dào, quan trọng trong phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt đỏ đã được chứng minh có liên quan đến nguy cơ ung thư đại tràng. Vì vậy, thịt đỏ được khuyến cáo ăn mỗi ngày không quá 90 g, tốt hơn nữa là dưới 70 g. Nếu ngày nào ăn nhiều hơn lượng này thì nên cắt giảm vào những ngày sau để đạt được mức trung bình như trên.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo các bà nội trợ nên giảm lượng thịt trong các bữa ăn bằng cách thay thế thịt bằng các loại đậu hạt, các chế phẩm họ đậu. Đậu là nguồn protein thực vật lành mạnh có tác dụng chống oxy hóa, ung thư, điều hòa chuyển hóa cholesterol…

Đặc biệt hoạt chất trong đậu có thể kìm hãm sự phát triển chất gây ung thư cysteine. Các bà nội trợ cũng có thể kìm chế thịt đỏ bằng cách thay thế ăn thịt gia cầm, các loại cá để bổ sung omega tự nhiên. Mỗi ngày, mỗi người cần ít nhất 400gr rau xanh, hoa quả. 

Sau 28 năm theo dõi 121.342 người, công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives of Internal Medicine (Mỹ) đã ghi nhận được 5.910 ca bệnh tim và 9.364 ca bị ung thư đều có mối liên quan đáng kể đối với thói quen tiêu thụ quá nhiều thịt.

Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 4653

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:44033
Lượt truy cập: 14099352