Thứ tư, 25/12/2024 11:34 GMT+7

WHO: Thành công nhất của Việt Nam trong phòng chống dịch là cách ly

Thứ hai, 16/03/2020 09:36 GMT+7

Thành công nhất của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 là cách ly - theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện một số nước cách ly tại nhà và chỉ áp dụng với đối tượng tiếp xúc gần (F1), nhưng Việt Nam cho cách ly tại các cơ sở tập trung, đó là điểm rất khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đưa ra thông tin trên tại hội nghị trực tuyến "Triển khai Tập huấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19" ngày 15.3. Hội nghị được truyền đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: Hiện việc phòng chống dịch COVID-19  đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã có những thay đổi trong biện pháp chống dịch để phù hợp với tình hình mới.
 
Về chiến lược phòng chống, Việt Nam kiên trì, kiên định những chiến lược đã đề ra, nhưng có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình dịch. Điểm mạnh của Việt Nam là xác định được bệnh nhân số 0, từ đó, ngành y tế kiểm soát được vùng có dịch, ngăn chặn lây lan.
 
"Đặc biệt, quyết tâm ngăn chặn ca xâm nhập. Nếu tiếp tục để những ca bên ngoài vào lây lan trong cộng đồng thì khả năng đáp ứng của chung ta hết sức khó khăn", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Nhờ kiên quyết thực hiện khai báo y tế điện tử của tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, từ những thông tin khai báo đó, chúng ta đã kịp thời lấy mẫu, xét nghiệm, ngăn chặn kịp thời các ca dương tính và tiến hành cách ly ngay lập tức tại cửa khẩu.
 
Nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời các ca bệnh sẽ tràn vào Việt Nam. Việc thực hiện cách ly y tế với những hành khách ở các nước có dịch đã được kiểm soát tốt. Từ ngày 14.3, Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế tập trung đối với tất cả khách đến từ Schengen và Anh, bao gồm cả người Việt Nam.  Người về từ hoặc đi qua khu vực Schegen sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm. Từ hôm nay, tiếp tục tạm dừng miễn thị thực với khối Schengen và Anh, đang xem xét áp dụng với Mỹ.
 
Nhờ áp dụng biện pháp nói trên, ngày hôm qua chúng ta đã phát hiện được một số hành khách mắc COVID-19 trên các chuyến bay vào Việt Nam. Nếu những ca đó vào Việt Nam thì có thể có những phức tạp như ca số 34.
 
"Bệnh nhân 34" là ca lây nhiễm nhiều nhất đến nay, lây cho 10 người. Bà đi qua Hàn Quốc, Mỹ, Qatar về Việt Nam, khai báo không đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc truy tìm những người tiếp xúc. 
 
Về điều trị, Việt Nam vẫn tiếp tục phân tuyến để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, kể cả tuyến xã sẽ theo dõi những ca có triệu chứng lâm sàng rất nhẹ. "Quan điểm của chúng ta là không tập trung mà phân tán tất cả các tuyến, ca nặng điều trị tuyến trên", Thứ trưởng ông Long nói. 
 
Những thay đổi nhờ khoa học công nghệ đã được áp dụng vào việc phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế có những trang tin cung cấp thông tin minh bạch, không giấu giếm.
 
Sắp tới, Việt Nam tiếp tục tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc các hành khách, quản lý các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1303

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:1507
Lượt truy cập: 13982671