Thứ hai, 29/07/2024 01:18 GMT+7

5 việc cần làm ngay khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch

Thứ năm, 12/03/2020 15:21 GMT+7

Ngày 11.3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố nâng cấp dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra lên mức đại dịch. Dưới đây là 5 thông tin quan trọng về ý nghĩa của việc này đối với bạn và cộng đồng

1. Hiểu sự khác biệt giữa dịch và đại dịch là gì?
 
Trước thông báo của WHO hôm 11.3, dịch COVID-19 đã được cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc mô tả là một dịch bệnh mới và nó đã lan rộng ra nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ. Cụ thể, COVID-19 đã lan tràn vào ít nhất 114 quốc gia và giết chết hơn 4.000 người.
 
"Dán nhãn" cho COVID-19 là đại dịch để nhấn mạnh rằng nó đã chính thức lan rộng khắp thế giới và cũng thể hiện mối quan tâm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về mức báo động sự lây lan của virus Corona chủng mới. Điều này nói lên mức độ nghiêm trọng và nếu không hành động thì số ca tử vong và các quốc gia bị ảnh hưởng có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
 
2. Bây giờ có nên lo lắng hơn về COVID-19 không?
 
Ông Tedros Adhananon Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nói rằng gọi COVID-19 là đại dịch không có nghĩa là nó trở nên nguy hiểm hơn. Điều đó chỉ là sự thừa nhận về tính chất lây lan toàn cầu của nó.
 
Ông nhấn mạnh rằng đại dịch không thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus gây ra mà là thay đổi những gì các quốc gia nên làm tiếp theo. 
 
Ông Tedros cũng kêu gọi đừng tập trung vào từ đại dịch mà hãy tập trung phòng ngừa, chuẩn bị cho sức khỏe cộng đồng.
 
Người đứng đầu WHO thừa nhận rằng sự lây lan COVID-19 là đại dịch đầu tiên do virus Corona gây ra. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng tất cả các quốc gia vẫn có thể thay đổi tiến trình của đại dịch này.
 
3. Các nước nên làm gì? 
 
WHO nhắc lại lời kêu gọi các quốc gia phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly và huy động công dân của họ, để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan rộng hơn trong cộng đồng.
 
Ở hai quốc gia Trung Quốc và Hàn Quốc, số lượng các trường hợp mắc mới đã giảm đáng kể. 81 quốc gia vẫn chưa báo cáo bất kỳ trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào và 57 quốc gia chỉ có dưới 10 người nhiễm bệnh.
 
 
Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại đáng kể rằng nhiều quốc gia không hành động đủ nhanh, hoặc thực hiện hành động khẩn cấp như khuyến cáo của WHO.
 
Ngay cả trước khi có thông báo về đại dịch, WHO đã ủng hộ cách tiếp cận để đối phó với khủng hoảng trên mọi lĩnh vực, không chỉ ngành y tế.
 
4. Người dân nên làm gì?
 
Người dân có thể cảm thấy lo lắng về sự bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên WHO nhấn mạnh một thực tế rằng, nếu bạn không ở khu vực nơi COVID-19 lây lan, không đi từ vùng dịch hoặc không tiếp xúc với một bệnh nhân bị nhiễm bệnh thì nguy cơ nhiễm bệnh của bạn là thấp.
 
Tuy nhiên, tất cả chúng ta có trách nhiệm bảo vệ chính mình và những người khác.
 
Mọi người nên thường xuyên rửa tay (và rửa kỹ, bằng xà phòng); duy trì khoảng cách ít nhất một mét từ bất kỳ ai ho hoặc hắt hơi. Tránh tiếp xúc thân thể khi chào hỏi; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của chúng ta; che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi. Đồng thời đi đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời khi có triệu chứng.
 
WHO và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết và tránh kỳ thị khi đối mặt với đại dịch.
 
5. Xem thông tin đáng tin cậy ở đâu? 
 
Nơi tốt nhất để có được thông tin đáng tin cậy là trang web của WHO với địa chỉ: www.who.int. Bạn có thể tìm thấy lời khuyên toàn diện về cách giảm thiểu rủi ro lây lan COVID-19.
 
Trang web hiện đang được cập nhật hàng ngày, vì vậy hãy kiểm tra thường xuyên. Bạn cũng nên kiểm tra trang web chính thức của thành phố và khu vực mình sinh sống. 
 
WHO cảnh báo rằng một số tin đồn hoang đường đang lưu hành trực tuyến. Trang web của WHO đã làm sáng tỏ một số tin đồn không có căn cứ. 
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1109

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:61818
Lượt truy cập: 13514561