Thứ ba, 30/07/2024 05:21 GMT+7

Chưa có bằng chứng cụ thể virus Corona lây qua đường ăn uống

Thứ tư, 05/02/2020 14:22 GMT+7

Trước thông tin virus Corona lây nhiễm qua đường ăn uống, không ít người Việt Nam lo lắng. Nếu như con đường lây này được chứng minh thì nguy cơ lây nhiễm virus Corona sẽ tăng cao, việc phòng tránh loại virus này sẽ khó khăn hơn nhiều lần.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết ông đã tiếp cận với các thông tin mà báo chí nước ngoài đăng tải cảnh báo virus Corona có thể lây truyền qua đường tiêu hóa. 
 
Theo đó, một số báo dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết các chuyên gia từ Bệnh viện Renmin (Đại học Vũ Hán) và Viện Virus Vũ Hán (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) cảnh báo loại virus này có thể lây truyền qua đường tiêu hóa.
 
Nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy axit nucleic trong phân của bệnh nhân và bệnh phẩm trực tràng. Trước đó, những bệnh nhân dương tính với virus Corona có một số triệu chứng như tiêu chảy thay vì sốt.
 
Kết quả này đặt giả thuyết ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, virus Corona còn có khả năng lây truyền qua đường phân - miệng nhất định.
 
Theo một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Y học New England (Anh), virus Corona đã được phát hiện trong phân lỏng của bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ dương tính với 2019-nCoV.
 
Như vậy, có thể loại virus này tồn tại và lây lan qua chất thải của người bệnh. Phát hiện này có thể cung cấp mối liên hệ còn thiếu về cách thức lây lan virus từ động vật sang người và từ người sang người.
 
Trả lời Lao Động về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Đắc Phu khẳng định: "Đó là những thông tin cần lưu ý vì chúng ta cần nghiên cứu đa chiều về chủng virus mới này. Hiện nay, cập nhật của chúng tôi từ Tổ chức Y tế thế giới WHO thì vẫn chưa có những bằng chứng cụ thể từ việc virus Corona lây truyền qua đường tiêu hóa. nCoV là một biến chủng mới, rất cần những nghiên cứu sâu về nó, để đưa ra cảnh báo sớm cho cộng đồng".
 
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Phu, trước những thông tin đa chiều, cả ngành y tế và người dân đều phải nâng cao cảnh giác để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người. 
 
Virus Corona là một họ gồm nhiều loại virus mà chủng mới này là một biến chủng nguy hiểm. Họ virus này thường gặp trong gia súc, mèo, rắn, dơi, lạc đà... Khi biến chủng vì một lý do đặc biệt, nó có thể lây sang người.
 
"Hiện chưa rõ ràng việc lây nCoV qua đường tiêu hóa, nhưng virus có thể lây qua hắt hơi, giọt nước bọt... bắn vào các vật dụng. Khi tay chạm, tiếp xúc các vật dụng đó rồi đưa lên mũi, miệng thì sẽ bị lây virus"- ông Phu nói.
 
Việc ăn uống có làm lây lan loại virus này hay không thì vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng vì chưa có bằng chứng cụ thể. Nhưng việc hiểu nguồn gốc và cơ chế và không loại trừ nguy cơ này.
 
"Ngay trong các thông điệp khuyến cáo phòng tránh nCoV của ngành y tế, một trong những khuyến cáo quan trọng của chúng tôi là chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Khuyến cáo này nhấn mạnh vào việc phải chú ý ăn uống thực phẩm đã được nấu chín, không được ăn sống. Không loại trừ nCoV, mà việc sử dụng thực phẩm nấu chín sẽ phòng trừ được cả các loại virus khác nữa như virus gây bệnh đường tiêu hóa, hay virus cúm gia cầm cũng đang gây lo ngại hiện nay"- Phó Giáo sư Phu nhấn mạnh. 
 
Theo phân tích của một bác sĩ truyền nhiễm, khi người bệnh ho, thở, có giọt bắn ra bên ngoài, bắn vào các vật dụng, dụng cụ, bao gồm tô chén đĩa muỗng... Trong quá trình sử dụng bát đũa chung, nếu tiếp xúc phải, rồi chạm lên miệng, mũi... thì khả năng lây nhiễm là có.
 
Theo vị bác sĩ này, việc quan trọng nhất vẫn là việc tuân thủ đúng phương pháp phòng hộ cá nhân. Vật dụng nào các bạn nghi ngờ thì không nên tiếp xúc. Có thể diệt được virus trong các vật dụng bằng cách luộc các đồ dùng ở nhiệt độ 80-100 độ C trong 5 phút. 
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1062

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:5778
Lượt truy cập: 13522080