Thứ ba, 14/01/2025 01:35 GMT+7

Say nắng và cách phòng tránh trong đợt nắng nóng đỉnh điểm

Thứ hai, 20/05/2019 14:17 GMT+7

Say nắng là triệu chứng thường gặp vào mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng đỉnh điểm như mấy ngày qua.

Say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, hay xảy ra đối với người già, trẻ em, những người lao động, luyện tập với cường độ cao hoặc bị “phơi nắng” quá lâu.

Người bị say nắng thường có các biểu hiện như sốt cao, da nóng và khô, mệt mỏi, đau đầu, nôn mửa... Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng nhận thức, bị ảo giác, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị say nắng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như phù phổi, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ… Việc đổ quá nhiều mồ hôi sẽ làm mất đi các chất điện giải như natri, kali, và còn làm trầm trọng thêm, thậm chí tăng nguy cơ bị say nắng. Do đó, việc giữ cơ thể đủ nước rất quan trọng trong mùa hè.

Mẹo phòng tránh say nắng

Thời điểm nắng nóng nhất trong ngày thường sẽ từ 11 giờ trưa cho đến trước 13 giờ, cần hạn chế hoạt động ngoài trời. Nếu công việc của bạn phải tiếp ở ngoài trời, bạn cần phải nghỉ ngơi 5 - 10 phút để lấy lại sức và cân bằng thân nhiệt.

Khi ra ngoài trời nắng, cần trang bị mũ - nón, quần áo chống nắng (vải lanh, cotton nhẹ để thấm mồ hôi tốt), kem chống nắng để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời, tia cực tím.

Đặc biệt, cần bổ sung nhiều nước, muối khoáng, nước hoa quả tươi để cung cấp đủ vitamin và chất điện giải.

Cần ăn những thực phẩm như rau xanh, hoa quả lợi tiểu như bí đao, mướp, dưa chuột, táo... tránh đồ dầu mỡ để giảm khó tiêu, đầy bụng.

Sơ cứu say nắng kịp thời

Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho bệnh nhân: Chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, cổ.

Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát.

Trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

 
Nguồn: Báo Lao Động

 

Lượt xem: 1871

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:48326
Lượt truy cập: 14074558