Thứ tư, 22/01/2025 22:52 GMT+7

Chống vắc-xin", hiện tượng nguy hiểm!

Thứ bẩy, 15/07/2017 23:03 GMT+7

Cha mẹ không tiêm vắc-xin cho con mình đã gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, bởi việc tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo ra một "hành lang an toàn" cho cộng đồng

Vừa qua, với bài viết nhan đề "Antivaccin" (chống vắc-xin), facebooker Huu Khanh Truong - bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) - đã nhận được hàng ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Ông nêu ra thực trạng đáng báo động về hiện tượng một số bà mẹ trẻ kiên quyết không tiêm ngừa cho con, với lập luận rằng vắc-xin… có hại nhiều hơn lợi.

Người dân thiếu thông tin

"Gần một đời với nghề làm nhiễm nhi, đã ngấm đòn chăm sóc bệnh nhiễm trong bất lực, cũng lắc đầu, bực mình vì chuyện không tiêm vắc-xin, cũng cảm thông vì thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân" - bác sĩ Khanh chia sẻ trên Facebook. Rất nhiều lần, trong các bài viết về những đợt bùng phát dịch sởi, ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản… trên Báo Người Lao Động, ông luôn nhấn mạnh: Hoàn toàn có thể bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nguy hiểm này nhờ việc tiêm chủng.

Chống vắc-xin, hiện tượng nguy hiểm! - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM

Việc chống tiêm vắc-xin của một bộ phận ông bố, bà mẹ trẻ đã bị nhiều bậc phụ huynh các thế hệ trước không đồng tình. Bà Ng.T.M.L (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết 2 con bà (hiện 32 và 30 tuổi) đã chích đủ các loại vắc-xin có ý kiến tranh cãi kia. "Lúc các cháu nhỏ xíu thì chích 3 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà), uống vắc-xin ngừa bại liệt; gần 1 tuổi thì chích sởi. Khi các cháu lớn hơn, có thêm các vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B, Hib, viêm não Nhật Bản, thủy đậu…, tôi đều cho chích cả. Mấy chục năm trước, các "bà mẹ bỉm sữa" chẳng phải lo về dịch sởi, ho gà… như bây giờ. Đi học cũng chẳng thấy cháu nào phải nghỉ vì mắc sởi cả" - bà L. nhớ lại.

Bà Tr.Đ.K (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết 2 con bà năm nay 29 và 24 tuổi cũng được chích đủ vắc-xin và chưa từng mắc các căn bệnh nêu trên. Bà bày tỏ: "Bản thân tôi, từ ngày sinh ra ở Bệnh viện Từ Dũ hơn nửa thế kỷ trước cũng đã được chủng ngừa đậu mùa, sau đó đi học còn tiêm vài loại vắc-xin khác. Thời tôi làm mẹ, ai không đưa con đi chích ngừa là bị coi như không biết chăm con".

Lỗ thủng cộng đồng

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM, cho biết hầu hết các bệnh mà người ta chế ra vắc-xin để phòng ngừa đều nguy hiểm, việc điều trị khó khăn và tốn kém. Các bệnh được ngừa bởi vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) càng nguy hiểm hơn: có nguy cơ gây tử vong cao hay để lại di chứng nặng nề nếu lỡ mắc, dễ lây và bùng phát thành dịch, là bệnh khó trị có tỉ lệ mắc cao trong cộng đồng… Vậy nên, chúng mới được đưa vào chương trình TCMR, miễn phí để người dân có thể tiếp cận dễ dàng.

Theo bác sĩ Tiến, ngoài những người chống tiêm vắc-xin, nhiều ông bố, bà mẹ vì lo ngại tác dụng phụ của thuốc nên chần chừ. Ông khuyên nếu lo lắng, cha mẹ hãy nhớ hai điều. Thứ nhất, điền đầy đủ thông tin trong bảng hỏi và trả lời chính xác các câu hỏi của nhân viên y tế về sức khỏe của trẻ trước tiêm. Thứ hai, nhớ để trẻ được theo dõi sau tiêm tại bệnh viện theo đúng thời gian quy định, sau đó theo dõi tại nhà như hướng dẫn. Cơn sốt nhẹ hay gặp sau tiêm là bình thường, không đáng ngại, có thể dùng thuốc hạ sốt nếu cần. Chỉ một tỉ lệ cực kỳ nhỏ trẻ gặp tác dụng phụ nặng hơn hoặc bị biến chứng, cần đưa trở lại bệnh viện. Đó là khi trẻ khóc liên tục, khóc quá nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, tay chân lạnh, li bì…

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu một người mang bệnh đi vào cộng đồng vốn đã được đề kháng thì bệnh không lây lan được và sẽ dần tự triệt tiêu, không thể bùng phát thành dịch. Một số đối tượng chưa kịp được bảo vệ, như trẻ em dưới 9 tháng chưa chích ngừa sởi, cũng không thể bị sởi nếu cộng đồng đó được bảo vệ bởi "hành lang an toàn". Thêm một người chống vắc-xin là thêm một lỗ thủng nguy hiểm cho "hành lang an toàn" đó. 

Pháp, Ý: Không đưa con đi tiêm là phạm luật

Đầu tháng 7-2017, chính phủ Pháp tuyên bố đến năm 2018, các bậc cha mẹ sẽ bị bắt buộc đưa con đi tiêm chủng nhiều loại vắc-xin theo luật. Hiện tại, 3 loại vắc-xin bắt buộc tiêm cho trẻ là vắc-xin ngừa bạch hầu, uốn ván, bại liệt. Sang năm 2018, danh sách bắt buộc có thể tăng lên đến 11 loại.

Tuyên bố này được đưa ra sau các đợt bùng phát dịch sởi tại châu Âu. Pháp là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng với trên 26.000 ca mắc tính từ năm 2008 đến nay.

Trước đó, vào tháng 5-2017, chính phủ Ý cũng tuyên bố bắt buộc tiêm chủng 12 loại vắc-xin cho trẻ dưới 16 tuổi. Trẻ em buộc phải tiêm đủ các vắc-xin yêu cầu cho độ tuổi trước khi đến trường và cha mẹ sẽ bị phạt nếu không đưa con đi tiêm.

12 loại vắc-xin bắt buộc tại Ý gồm các vắc-xin tương tự Chương trình TCMR ở Việt Nam: bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib (gây viêm màng não, viêm phổi), bại liệt, viêm gan siêu vi B, sởi; cùng một số vắc-xin khác là quai bị, thủy đậu, Rubella, Meningitis B, Meningitis C (chủ yếu gây viêm màng não).(Theo Independent, BBC)

Trào lưu tai hại

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng trào lưu "antivaccin" (chống vắc-xin) là vấn đề rất nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới xem vắc-xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ XX. Nhờ sử dụng vắc-xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số người mắc và tử vong. Trước khi sử dụng vắc-xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong cho khoảng 2 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, bệnh đã được thanh toán vào năm 1979.

Tiêm chủng cũng có tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu qua các thành tựu: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm vào những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 năm 2002; số người tử vong do sởi giảm từ 6 triệu xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm; số mắc ho gà giảm từ 3 triệu xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp/năm. Tại Việt Nam, kết quả giám sát các bệnh trong Chương trình TCMR cũng cho thấy tỉ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc-xin phòng chống trong chương trình và đều duy trì chiều hướng giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (khi bắt đầu triển khai TCMR trên toàn quốc) với năm 2010, tỉ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần. Năm 1984, cả nước có 1.223 ca mắc bại liệt, từ năm 1998 không ghi nhận ca nào. Bệnh bạch hầu cũng ghi nhận số trường hợp mắc giảm 363 lần...

Tuy nhiên, nguy cơ của các dịch bệnh nêu trên vẫn tiềm ẩn. Cụ thể, nguy cơ virus bại liệt xâm nhập từ các nước là rất lớn, uốn ván vẫn là bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc-xin phòng được triển khai trong Chương trình TCMR và uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỉ lệ chết/mắc cao nhất. Do vậy, việc tiêm chủng phòng bệnh vẫn hết sức quan trọng.

Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định TCMR và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. "Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận. Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội. Bởi lẽ, rất có thể tính mạng của gia đình và cả cộng đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào quyết định của bạn" - ông Phu nhấn mạnh. N.Dung

 

 

Nguồn: Người Lao Động

Lượt xem: 3984

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:51609
Lượt truy cập: 14104160