Thứ ba, 31/12/2024 04:34 GMT+7

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa

Thứ tư, 24/11/2021 15:25 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa.

Sáng nay (24/11), phát biểu chỉ đạo tại hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ “rất vui mừng và hào hứng được đến dự hội nghị này".

Theo Tổng Bí thư, văn hóa là phạm trù rất rộng, trên thế giới có tới gần 200 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Nhưng chung quy có thể hiểu văn hóa theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. 

Hội nghị hôm nay bàn chủ yếu theo nghĩa hẹp - văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người...).

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đạt

“Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ.

Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hóa, phản văn hóa", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Trong phát biểu, Tổng Bí thư dành thời gian nhắc lại lịch sử và khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc.

Theo Tổng Bí thư, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn.

Nhìn lại những thành tựu, Tổng Bí thư cho rằng, “có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc”.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hoá trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. 

Công nghiệp văn hoá và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng. 

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan toả vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư cũng lưu ý cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

Theo ông, môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong.

Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới…

Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc. Nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc. 

“Nói nặng là vô văn hóa, phản văn hóa”, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra.

Ông nêu rõ, những yếu kém, bất cập trên chậm được giải quyết dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Trong khi yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa.

Trong các nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm, theo Tổng Bí thư, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, quản lý, chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề cập một số giải pháp cần tập trung thực hiện quyết liệt.

Cụ thể, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ.

Tổng Bí thư lưu ý, phải khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa; quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Giải pháp tiếp là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương.

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Ảnh: Minh Đạt

Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Theo Tổng Bí thư, đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung.

Ngoài ra, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được.

“Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta. Bác Hồ trước lúc đi xa vẫn còn dặn lại rằng “Muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát Dân ca!”, Tổng Bí thư nói và nhắc bài hát rất xúc động “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn.

Đặc biệt, Tổng Bí thư còn dành thời gian đọc những câu ca dao như “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”… hay bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính, “Việt Bắc” của Tố Hữu… để từ đó, nhấn mạnh giải pháp phải chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội.

“Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Hương Quỳnh- VietNamNet

Lượt xem: 1376

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:4556
Lượt truy cập: 13997799