Thứ tư, 15/01/2025 23:12 GMT+7

Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật

Thứ hai, 10/08/2020 10:01 GMT+7

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020

Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020.
 
Chính thức bỏ chế độ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập
 
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 về định nghĩa công chức thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
 
Có thể thấy, so với quy định hiện hay tại Luật cán bộ, công chức 2008 , Luật sửa đổi đã bỏ những người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ra khỏi định nghĩa về công chức.
 
Như vậy, từ ngày 1-7-2020, tức ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì sẽ không còn chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay nữa.
 
Thay đổi quy định về chế độ thôi việc đối với viên chức
 
Cụ thể, theo Khoản 6 Điều 2 Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 45 Luật viên chức 2010 thì viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật viên chức 2010 trừ các trường hợp sau đây:
 
- Bị buộc thôi việc;
 
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật Viên chức 2010 ;
 
- Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật Viên chức 2010 .
 
Như vậy, Luật này đã quy định rõ chế độ thôi việc đối với viên chức khi bị đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc chứ không quy định chung chung là chế độ đối với viên chức khi chấm dứt hợp đồng làm việc như hiện nay.
 
Thêm trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc 
 
Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là: "Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự".
 
.
Hiện nay, quy định này cũng đã được đề cập tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự, tuy nhiên chưa được chính thức quy định trong Luật.
 
Như vậy, từ 1-7-2020 sẽ có 6 trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc.
 
Không tính thời hiệu kỷ luật với cán bộ, công chức trong một số trường hợp
 
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 80 Luật cán bộ, công chức 2008 thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được xác định là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, nhưng Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 đã tăng thời hiệu này lên mức tối đa là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi phạm.
 
Ngoài ra, theo Luật này , sẽ không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức có một trong những hành vi vi phạm sau đây:
 
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
 
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
 
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
 
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
 
Như vậy, cán bộ, công chức sẽ không được áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật và bị xem xét xử lý kỷ luật vào bất cứ thời điểm nào nếu bị phát hiện là có một trong các hành vi vi phạm nêu trên.
 
Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật
 
Cụ thể, theo Khoản 18 Điều 1 Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung Điều 84 Luật cán bộ, công chức 2008 thì mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
 
Như vậy, kể từ ngày 01/07/2020, cán bộ, công chức mặc dù đã nghỉ hưu nhưng nếu có hành vi vi phạm trước đó vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo một trong 3 hình thức nêu trên.
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 2078

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:40226
Lượt truy cập: 14079055