Thứ ba, 21/01/2025 03:50 GMT+7

nCoV có thể lây sang người từ tháng 10 năm ngoái

Thứ sáu, 08/05/2020 10:57 GMT+7

ghiên cứu về cấu trúc di truyền của nCoV, các nhà khoa học phát hiện virus này bắt đầu lây lan sang người từ ngày 6/10/2019.

Nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học London và Đại học Reunion đã phân tích hơn 7.500 bộ gene nCoV thu thập trên các bệnh nhân khắp thế giới từ tháng 1. Kiểm tra sự tiến hóa của các đột biến nCoV, nhóm nghiên cứu đã tua lại đồng hồ phân tử của virus đến điểm khởi đầu. Kết quả cho thấy nCoV đã bắt đầu lây sang người từ ngày 6/10 đến 11/12 năm ngoái.
 
Nhóm nghiên cứu cũng xác định các đột biến chính của nCoV tiếp tục phát triển từ khi lây sang người.  Kết quả nghiên cứu công bố vào ngày 6/5 trên tạp chí y khoa Infection, Genetics and Evolution.
 
Nhóm nghiên cứu quan sát 198 đột biến gene của nCoV. Hơn 80% trong số đó có những thay đổi về cấp độ protein. Điều này cho thấy nCoV có thể biến đổi để thích nghi với vật chủ.
 
Nhà khoa học Francois Balloux, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Giống như các virus khác, nCoV đã và đang biến đổi. Phần lớn sự đa dạng gene của nCoV được phát hiện ở các nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Điều này cho thấy virus đã lây lan rộng rãi trên khắp thế giới từ sớm".
 
Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc xác định bệnh nhân đầu tiên tại nước này nhiễm nCoV vào ngày 17/11/2019. Nghiên cứu vào tháng 1 tại phòng thí nghiệm Thượng Hải dựa trên thông tin từ trình tự gene nCoV, các nhà khoa học kết luận rằng nCoV rất có thể lây từ một con dơi sang người vào khoảng tháng 11/2019. 
 
So với các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu mới của Đại học London tiếp cận được nhiều thông tin thông qua các nền tảng chia sẻ dữ liệu, giúp họ đưa ra ước tính mới về thời điểm khởi phát đại dịch toàn cầu.
 
Trong khi giới khoa học vẫn tranh luận về nguồn gốc nCoV, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch có thể đã bắt đầu sớm hơn so với dự đoán ban đầu.
 
Một nghiên cứu gần đây của Pháp cho thấy một bệnh nhân nhiễm nCoV vào ngày 27/12/2019, sớm hơn một tháng so với thời điểm nước này xác định ca dương tính đầu tiên.
 
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng trường hợp của Pháp "không có gì đáng ngạc nhiên", đồng thời kêu gọi các nước điều tra bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào.
 
Tính đến ngày 8/4, thế giới ghi nhận hơn 270.000 người chết vì Covid-19 trong hơn 3,9 triệu ca nhiễm. Các hoạt động kinh tế xã hội dần khôi phục ở nhiều nước.
 
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 1,3 triệu ca nhiễm. Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA) Mỹ dự báo nước này có thể tăng 200.000 ca mới một ngày vào tháng 6, gấp nhiều lần mức khoảng 25.000 ca một ngày hiện nay. Số ca tử vong cũng có thể tăng gấp đôi, lên khoảng 3.000 trường hợp một ngày. 
 
Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.463 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca trong khu vực lên hơn 54.000, trong đó hơn 1.800 người chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với gần 21.000 ca nhiễm và 20 người tử vong. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
 
Theo https://vnexpress.net/

Lượt xem: 1759

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:2607
Lượt truy cập: 14096483