Thứ năm, 08/08/2024 14:56 GMT+7

Có bệnh mới nghĩ tới BHYT: Lợi bất cập hại

Thứ sáu, 19/07/2019 09:10 GMT+7

Theo Quyết định số 1010 ngày 10.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn, năm 2019, một số xã thuộc huyện Bát Xát (Lào Cai) đã đủ điều kiện chuyển từ khu vực II lên khu vực I. Điều này đồng nghĩa một số chính sách như bảo hiểm y tế (BHYT), người dân không còn được hưởng trợ cấp, ưu đãi. Do đó, tỉ lệ tham gia BHYT ở những xã này đang rơi vào mức đáng báo động.

“Lâu nay vẫn thấy khỏe mạnh, ai ngờ”

Dù đã ra viện được hơn 2 tháng nay, nhưng với gia đình ông Hoàng Văn Tường (thôn Bản Vền, xã Bản Qua), số tiền dùng để chi trả phí mổ và thời gian điều trị trong viện vẫn là một khoản nợ khó có thể trả sớm cho họ hàng. Trước đây, ông Tường thuộc diện được cấp BHYT miễn phí. Tuy nhiên, nhiều năm nay cho rằng sức khỏe bản thân luôn ổn định, không có gì đáng ngại nên khi không được cấp miễn phí BHYT nữa thì ông Tường cũng dừng tham gia.

Thế nhưng, trong một lần đang ngồi trông cháu, ông Tường lên cơn đau bụng dữ dội. Vào nhập viện rồi, vì không có thẻ BHYT nên khi được yêu cầu nộp tạm ứng viện phí, gia đình ông Tường đành phải vay tạm của họ hàng mới đủ số tiền nộp, bởi các con ông cũng chẳng khấm khá gì.

Sau khi ra viện, ông Tường tính toán, tổng chi phí mất hơn 6 triệu đồng. Nếu như có BHYT hỗ trợ, ông chỉ mất hơn 1 triệu đồng. Khi được hỏi lý do chưa mua BHYT, ông Tường cho hay: “Lâu nay, tôi vẫn thấy mình khỏe mạnh nên khi không được nhà nước cho BHYT nữa, tôi cũng không mua mới. Ai ngờ…”.

Cùng suy nghĩ với ông Tường, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (xã Bản Qua) có 7 người nằm trong diện phải mua BHYT nhưng đến nay vẫn chưa có tiền để đóng bảo hiểm. Theo ông Thắng, nhà chỉ có vài sào ruộng, không có tiền tiết kiệm, nếu không có sự hỗ trợ của các ngành chức năng, số tiền gia đình phải bỏ ra để mua BHYT cho cả 7 người quá lớn, gia đình không thể mua được. Qua tìm hiểu từ một số người dân, tư tưởng “có bệnh mới mua bảo hiểm” như ông Tường, ông Thắng hiện vẫn còn phổ biến.

Cách nào khắc phục khó khăn?

Ông Bùi Xuân Phong (BHXH huyện Bát Xát) cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Do đó, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được hỗ trợ khá nhiều khi tham gia khám, chữa bệnh. Song đối với người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, số tiền phải bỏ ra để đóng BHYT vẫn còn rất cao.

Theo thống kê của BHXH huyện Bát Xát, 4 xã gồm: Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Cốc San đã thoát khỏi vùng khó khăn nên không còn được cấp BHYT miễn phí. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay mới chỉ vận động được hơn 6.000 trường hợp trong tổng số 12.340 trường hợp bắt buộc tham gia đóng BHYT tại các xã này. Mặt khác, kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, vẫn giữ thái độ “có bệnh mới cần mua bảo hiểm” nên việc “phủ sóng” BHYT toàn huyện là một bài toán khó.

Để khắc phục khó khăn, tăng tỉ lệ người tham gia, BHXH huyện Bát Xát đang nỗ lực để có thể mở rộng hệ thống đại lý, tăng số lượng nhân viên đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Đồng thời, BHXH huyện chú trọng tuyên truyền thông qua hình thức đối thoại trực tiếp. Cán bộ BHXH phải giới thiệu chi tiết, cụ thể các quy định của pháp luật về BHYT, quyền và trách nhiệm tham gia BHYT, hướng dẫn đăng ký tham gia BHYT tự nguyện cho người dân,…

Nguồn: Báo Lao Động

 

 

Lượt xem: 2056

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:30819
Lượt truy cập: 13601370