Đây là BV thứ 2 sử dụng ứng dụng này để khám chữa bệnh sau BV Đại học Y Hà Nội. Tại buổi khám bệnh sáng 29-5, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như: cấp cứu nhi, tim mạch trẻ em, ngoại nhi, hồi sức sơ sinh, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu… đã cùng tư vấn, hội chẩn các ca bệnh, tình huống tại 5 điểm cầu: BV Đa khoa huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), BV Sản nhi Quảng Ninh, BV Sản nhi Bắc Ninh, BV Sản nhi Hà Nam và Trung tâm Sản nhi - BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Điểm cầu thứ 6 kết nối với trung tâm ECHO - Mỹ để nghe bài giảng tổng quan về Covid-19. Từ điểm cầu BV Sản nhi Quảng Ninh, các bác sĩ báo cáo trường hợp bệnh nhi sơ sinh 23 ngày tuổi bị tim bẩm sinh (hẹp van động mạch phổi) khá phức tạp. Các chuyên gia đã cùng hội chẩn và đưa ra phương án điều trị. Toàn bộ hình ảnh từ cuộc mổ được truyền trực tiếp về đầu cầu BV Nhi trung ương để các bác sĩ theo dõi, hướng dẫn xử lý. Ca mổ diễn ra thành công.
Bệnh viện Nhi trung ương chính thức đưa vào sử dụng hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa
Lãnh đạo BV Nhi trung ương cho hay trước đây, những ca khó tương tự như thế phải chuyển tuyến về Hà Nội để can thiệp, xử lý. Quãng đường di chuyển xa xôi có thể khiến trẻ tử vong ngay trên đường.
GS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi trung ương, cho biết BV đã ấp ủ và thử nghiệm triển khai hệ thống Telemecidine phục vụ hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến từ cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, hạ tầng đường truyền internet chưa bảo đảm, chi phí cao đồng thời chưa có hành lang pháp lý nên đành tạm gác lại. Thông qua hệ thống này, BV Nhi trung ương và BV tuyến dưới có thể kết nối với nhau, hội chẩn phân loại, chẩn đoán, điều trị và không cần phải di chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, hạn chế tập trung đông người và giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tới đây, BV sẽ thường xuyên có đội ngũ bác sĩ trực tại phòng hội chẩn trực tuyến 24/24 giờ.
Nguồn: Báo Người Lao Động