1. Trước đây, Coronavirus được cho rằng cư trú ở một số loài động vật hoang dã, rõ nhất là loài dơi tai to, dơi nhỏ, gây bệnh cho các loài động vật có vú và chim. Tuy nhiên, trong dịch Vũ Hán, các nhà khoa học Trung Quốc lại phát hiện hệ số dương tính với Betacoronavirus của tê tê là 70%, nhưng chưa có bằng chứng lây nhiễm sang người. Họ cho biết, COVID-19 là sự kết hợp đặc tính sinh học của Coronavirus tìm thấy ở dơi với một loại Coronavirus khác mà vật chủ là loài rắn cạp nong và rắn hổ mang vốn thường săn bắt dơi.
Tạp chí Virus y học (Journal of Medical Virology) cũng viết rằng, nguồn lây nhiễm rất có thể là rắn bán ở chợ Vũ Hán. Những phát hiện mới nhất này càng làm cho nguồn gốc COVID-19 thêm rắc rối, vì thế tốt nhất chúng ta nên tránh xa động vật hoang dã.
Coronavirus luôn tiến hóa (đột biến gene), bằng chứng là chủng gây dịch viêm phổi cấp hiện nay (hay COVID-19) được định danh ngày 7.1 có hệ (bản đồ) gene giống hơn 85% hệ gene của SARS-CoV và quan trọng là chưa từng được phát hiện ở người trước khi xảy ra dịch viêm phổi cấp Vũ Hán.
Ngoài COVID-19 mới phát hiện, hiện đã biết 6 chủng Coronavirus khác có khả năng lây nhiễm sang người. Phương thức lây nhiễm trực tiếp của COVID-19 là mầm bệnh từ đường thở, nước bọt, chất nhầy của người bệnh xâm nhập đường thở, qua kết mạc mắt của người lành và người lành cầm nắm vào vật có mầm bệnh (Trung Quốc mới phát hiện COVID-19 trên tay nắm cửa), mà nguy hiểm nhất là qua đường hô hấp. Coronavirus có thể tấn công cả các tế bào đường ruột và thận nhưng “ưu tiên” tế bào đường hô hấp.
Ngày 7.2, các nhà khoa học Trung Quốc công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y học Mỹ: 14/138 ca bệnh bị tiêu chảy, nôn một hoặc hai ngày đầu trước khi sốt, khó thở, vì thế phân lỏng có thể là nguồn lan truyền COVID-19. Do có nhiều “gai” nên COVID-19 dễ bám dính vào niêm mạc đường hô hấp. Trong tế bào đường thở, ARN sợi đơn của nó phiên mã ngược thành AND (phiên mã là quá trình AND tạo ra ARN), khi nhân lên đủ số lượng là lúc tế bào bị phá hủy.
Ngày 9.2, các nhà khoa học ở Hockaido, Nhật Bản công bố có khoảng 50% người lành bị lây nhiễm từ người mới nhiễm COVID-19 chưa phát bệnh (ủ bệnh) sau khi nghiên cứu các ca lây nhiễm ở Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ!? Họ cũng kết luận lây nhiễm dạng thứ cấp này (lây nhiễm sơ cấp là từ người bệnh sang người lành) nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đây. Hai trường hợp sau là bằng chứng sinh động nhất cho tình trạng mầm bệnh ở người ủ bệnh vẫn nhiễm sang người lành như hầu hết các loại virus, vi khuẩn khác.
Báo Hoàn Cầu thông tin ở quận Giang Bắc, TP.Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc, một nam bệnh nhân 56 tuổi, bị xác định viêm phổi cấp do COVID-19, đang được điều trị cách ly. Điều tra dịch tễ thấy, 14 ngày trước khi xác định nhiễm bệnh, ông này không đến ở hay quá cảnh khu vực có dịch, không tiếp xúc với động vật hoang dã, không tiếp xúc các ca bệnh viêm phổi ở quận Giang Bắc, chỉ hoạt động trong khu vực sinh sống.
Tuy nhiên, trích xuất video giám sát của công an địa phương thấy 7h47 sáng ngày 23.1, ông đứng gần một bà 61 tuổi ở một sạp hàng trong chợ Shuandongfang, chỉ khoảng 15 giây. Cả hai người đều không đeo khẩu trang và người phụ nữ này sau đó bị xác nhận nhiễm COVID-19. Đi chợ, nghĩa là hai người này chưa ốm hoặc biểu hiện bệnh còn lờ mờ. Hiện giới chức địa phương đã cách ly 19 người có tiếp xúc gần với người đàn ông này.
Một trường hợp khác cũng ở Chiết Giang: Qua video của công an địa phương thấy, ngày 22.1, anh Từ đang đứng chờ lấy thuốc (cho bệnh khác) ở quầy, đối mặt chính diện với bệnh nhân họ Dương chỉ khoảng 50 giây và cả hai đều không đeo khẩu trang. Ngày 25.1, anh Từ phát bệnh và vợ anh họ Vương phát bệnh ngày 27.1. Cả hai người sau đó bị xác nhận viêm phổi do COVID-19.
Điều tra dịch tễ xác nhận 14 ngày trước đó, hai vợ chồng không lưu trú hay đi qua vùng dịch, không tiếp xúc với động vật hoang dã và các ca bệnh đã được xác nhận ở địa phương, nghĩa là trong thời gian ủ bệnh anh Từ đã lây nhiễm cho vợ! Ba ca bệnh này còn cho thấy, COVID-19 lây nhiễm siêu tốc.
Cách đây vài ngày, báo Straits Times, Singapore khẳng định COVID-19 có thể lây nhiễm chỉ trong 30 giây. Hiện thời gian ủ bệnh dự tính của COVID-19 từ 2 - 11 ngày, phụ thuộc thời gian “lưu trú” ở niêm mạc đường hô hấp trước khi xâm nhập tế bào. COVID-19 có thể “lưu trú” tới 4 ngày (SARS-CoV khoảng 1 - 2 ngày), nhưng từ những hiểu biết về SARS-CoV và MERS-CoV nên “nới rộng” giai đoạn này tới 14 ngày; 9 ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam ủ bệnh trung bình 10 ngày. Thống kê của WHO, trong tổng số các ca lây nhiễm COVID-19, có khoảng 82% ca bệnh nhẹ, 15% nặng, 3% là trầm trọng; tử vong gần 2%, thấp hơn rất nhiều so với dịch SARS 2002.
Cụ thể, COVID-19 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như sổ mũi, đau họng; ho và sốt; viêm phổi, khó thở; tử vong; người già và có bệnh mãn tính (tiểu đường, tim mạch...) nguy cơ cao. Mới nhất, đã phát hiện COVID-19 lây khi sử dụng máy khí dung nhưng hiện còn chưa rõ COVID-19 có truyền từ mẹ sang thai nhi hay không?
2. BS Nhi khoa Trương Hoàng Hưng, giảng dạy lâm sàng ở Đại học Texas Tech (Texas, Mỹ), cho hay, các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của SARS-CoV thấy rằng càng lạnh và độ ẩm càng thấp, virus càng sống lâu. Ở 4 độ C, SARS-CoV sống hơn một tháng. Nhiệt độ phòng 22 - 25 độ C, độ ẩm 40 - 50%, chúng sống khoẻ tới 5 ngày, sau đó yếu dần. Nhiệt độ vừa phải 28 - 33 độ C, độ ẩm không ảnh hưởng đáng kể tới SARS-CoV, nó có thể sống tới 4 - 5 ngày. Nhiệt độ tới 38 độ C và độ ẩm 80 - 90%, SARS-CoV giảm mạnh sau 24 giờ. Ở 56 độ C, chúng bị diệt sau 15 phút.
Vì vậy, nếu nhiệt độ ở Hà Nội là 12 độ C, độ ẩm 76%, SARS-CoV sẽ sống tốt 4 - 5 ngày bên ngoài cơ thể người. Ở TP.HCM, nếu 24 độ C, độ ẩm 91%, SARS-CoV sẽ sống tốt khoảng một ngày. COVID-19 là “họ hàng” gần của SARS-CoV nên khả năng sống sót ngoài môi trường sẽ không thua kém SARS. Nghiên cứu cho thấy, chúng tồn tại tối đa 9 ngày ngoài môi trường lạnh.
3. WHO đưa ra 21 điều cần biết về COVID-19, về cơ bản đã trình bày ở trên, chỉ xin tóm tắt những điều còn lại: Chỉ đeo khẩu trang y tế nếu ho, hắt hơi, sổ mũi; nghi nhiễm COVID-19 với các triệu chứng nhẹ; đang chăm sóc người nghi nhiễm COVID-19; hoặc tiếp xúc gần với người từ Trung Quốc dù không có các triệu chứng trên.
Nếu không đi Trung Quốc, không tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19, người bị cách li, chỉ cần đeo khẩu trang vải. Không đeo khẩu trang để tạo cảm giác an toàn giả tạo và lãng phí không cần thiết nhưng không dùng lại khẩu trang y tế đã dùng hoặc bị ẩm. Khi tiếp xúc với người khác nên giữ khoảng cách ít nhất 1 mét; ho, hắt hơi không quay về hướng có người, phải có khăn hoặc giấy che và bỏ ngay vào thùng kín. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khoảng 20 giây hoặc cồn hay dung dịch sát trùng; thường xuyên nhỏ mắt bằng Natriclorua 9%0, vì các chất khử trùng đơn giản đã có thể diệt COVID-19.
Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng vì tay thường cầm nắm, có thể đã bị nhiễm từ đồ vật. Hiện đã khẳng định COVID-19 không lây truyền qua bụi không khí nhưng chưa khẳng định có lây truyền từ vật nuôi (chó, mèo...) hay không? Nên tránh ăn sản phẩm động vật sống hoặc chưa chín hẳn và chỉ uống sữa động vật được xử lý theo quy trình khử trùng chuẩn (trong nhà máy). COVID-19 không lây theo bưu kiện kể cả từ Trung Quốc, vì qua kinh nghiệm dịch SARS và MERS, virus không tồn tại đến lúc nhận bưu kiện. Nên đặc biệt cảnh giác với người ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt vì đây là những biểu hiện không khác gì bệnh cúm mùa hay cúm gia cầm. Vì thế, khi có biểu hiện này phải đi khám ngay vì chỉ có xét nghiệm mới nhận dạng được loại virus gây bệnh và phải cho BS biết lịch sử di chuyển, tiếp xúc.
Hiện không có thuốc điều trị và dự phòng COVID-19 nhưng không tự dùng kháng sinh vì không có tác dụng. Dùng vitamin C, uống trà thảo dược không chống được COVID-19; đeo nhiều lớp khẩu trang không ngăn nhiễm COVID-19 tốt hơn và hút thuốc làm tăng thêm mức nguy hiểm nếu nhiễm.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khoảng 20 giây hoặc cồn hay dung dịch sát trùng; thường xuyên nhỏ mắt bằng Natriclorua 9‰, vì các chất khử trùng đơn giản đã có thể diệt COVID-19. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng vì tay thường cầm nắm, có thể đã bị nhiễm từ đồ vật.
Nguồn: Báo Lao Động