Thứ bảy, 04/01/2025 16:25 GMT+7

Dấu hiệu lạc quan khi Việt Nam điều trị thành công 7 ca nhiễm COVID-19

Thứ năm, 13/02/2020 11:14 GMT+7

Chiều tối 12.2, ông Li Ding - bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam nhiễm dịch bệnh do chủng mới COVID-19 gây ra, đã được xuất viện sau 21 ngày cách ly, điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM).

Trước đó, vào ngày 4.2, bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi, con của ông Li Ding) đã được xuất viện sau 14 ngày cách ly điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh. Hai bố con được xác định nhiễm chủng COVID-19 mới đầu tiên ở Việt Nam được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22.1. Đến nay, Việt Nam đã điều trị thành công cho 7 ca nhiễm COVID-19. Tổng số mẫu xét nghiệm COVID-19 là 803, trong đó 15 ca mẫu dương tính.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: COVID-19 có 4 phương thức lây truyền là qua không khí (tiếp xúc với giọt nước bọt từ người có virus vào đường hô hấp của người khác), lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, lây qua bề mặt của các vật có virus. Đường thứ 4 có thể lây qua phân nhưng chỉ trong trường hợp chăm sóc với người bệnh.
 
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, do nhiều đường lây nên muốn phòng bệnh thì phải cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp: Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, vì nghiên cứu cho thấy cứ 10 phút chúng ta lại vô thức đưa lên tay sờ mặt một lần. Vệ sinh bề mặt dụng cụ, rửa tay vệ sinh cá nhân rất quan trọng. Chỉ cần tránh tiếp xúc với người hắt hơi, ho, tránh tiếp xúc với bệnh nhân ở phòng kín. Khẩu trang không phải là “cứu cánh”, việc rửa tay, vệ sinh bề mặt vật dụng quan trọng hơn.
 
“Hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng (ho, sốt) và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Đồng thời theo dõi thật sát khả năng hô hấp của bệnh nhân. Nếu có suy hô hấp thì can thiệp. Nhẹ thì chỉ cần cho thở ôxy, mức nặng hơn mới có hỗ trợ, mức 3 mới cần thở máy. Các trường hợp nhiễm COVID-19 đa phần bệnh nhân điều trị triệu chứng (ho, sốt), chỉ có bệnh nhân Trung Quốc nhiều bệnh lý (đái tháo đường, u phổi) nên mới cho thở ôxy. Phác đồ điều trị phác đồ của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới” - Thứ trưởng Long nói.
 
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã điều trị thành công cho 3 bệnh nhân nhiễm COVID-19, Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu chia sẻ: “Về cơ bản, chúng tôi điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 là điều trị các triệu chứng như sốt, đau họng, ho và nâng cao thể trạng. Việc quan trọng nhất trong quá trình điều trị là phải đảm bảo được việc cách ly để tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như tránh phát tán mầm bệnh ra bên ngoài…”.
 
Cũng theo BS Cấp, chính kinh nghiệm quý giá từ đấu tranh với dịch SARS năm 2003 cũng như những chiến lược trong việc phân loại, sàng lọc, tổ chức điều trị ngay từ bước đầu đã giúp các bác sĩ tránh được việc lây nhiễm dù quá trình dài và số lượng bệnh nhân tới khám, điều trị tại viện rất đông. Nhân viên y tế tuyệt đối tuân thủ khử khuẩn, chăm sóc tại giường, quản lý mầm bệnh trong phòng cách ly. Về thuốc điều trị, bước đầu điều trị cho bệnh nhân theo đúng phác đồ và đang tiến hành ghi chép để có thể cập nhật phác đồ điều trị tốt nhất.
 
Bệnh viện cũng cần làm tốt công tác chỉ đạo tuyến, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân ngay tại tuyến cơ sở để hạn chế thấp nhất việc vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Virus Corona có tên gọi chính thức là COVID-19
 
Tại hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ mới đây, các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố virus Corona mới được đặt tên là COVID-19.
 
WHO khai mạc cuộc họp kéo dài 2 ngày từ 11.2 để trao đổi về dịch virus Corona mới, trong đó Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh.
 
“Vaccinne đầu tiên có thể sẵn sàng trong 18 tháng. Vì vậy, chúng ta phải làm mọi thứ từ bây giờ bằng cách sử dụng những vũ khí sẵn có để chiến đấu với virus này” - Tổng Giám đốc WHO lưu ý.
 
WHO cho biết, các nhóm chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài đang nỗ lực xác định loại động vật là nguồn gây dịch virus Corona mới. Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý, việc xác định nguồn gây bệnh giúp đảm bảo không còn dịch bệnh tương tự, đồng thời giúp hiểu được cơ chế lây lan ban đầu của virus Corona mới tại khu vực Vũ Hán.
 
Tin mừng được giới chức Trung Quốc công bố là có hơn 4.700 người nhiễm virus đã hồi phục.
 
Trong nỗ lực chống dịch bệnh, ít nhất 50 nhân viên y tế ở Vũ Hán đã nhiễm chủng mới của virus Corona, nhiều nguồn y tế xác nhận với SCMP. Thanh Hà
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1099

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:28359
Lượt truy cập: 14009297