Kết quả khảo sát ở một số DN cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các KCX-KCN bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Lý do chính là DN cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã khuyến cáo DN phải thực hiện đúng như Bộ Luật Lao động quy định, không được tự ý sa thải, đơn phương sa thải lao động. Đồng thời, Bộ LĐ-TB-XH cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đề xuất các chính sách ràng buộc DN FDI sử dụng lao động lâu dài hơn, trước hết là chính sách trong quá trình tuyển dụng và sa thải, nghỉ việc NLĐ.
Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam
Cũng theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH xu hướng NLĐ nhận BHXH một lần không có chiều hướng giảm, tập trung vào đối tượng lao động nữ (LĐN). Theo lý giải của Bộ LĐ-TB-XH, một số quy định hiện hành của Luật BHXH vẫn còn sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu (từ ngày 1-1-2018) và điều này ảnh hưởng đến tâm lý của LĐN.
Cụ thể là khi tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam chỉ giảm 2% trong khi LĐN giảm tới 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Ngoài ra, LĐN thường tập trung trong các lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc không ổn định.
Qua khảo sát, khoảng 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn. Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của LĐN làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,58 triệu đồng so với nam là 5,19 triệu đồng).
Nguồn: Báo Người Lao Động