Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng gồm: Tờ trình báo cáo về “Chương trình một triệu sáng kiến”; Tờ trình về việc tổ chức Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; Tờ trình về việc ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ và 3022/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, từ ngày 27/4/2021;
Tờ trình Kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân năm 2022; Tờ trình về sửa đổi Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 về việc ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn; Tờ trình về việc sửa đổi quyết định số 273/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về tổ chức bộ máy quản lý tài chính công đoàn; tiêu chuẩn điều kiện, quy trình bổ nhiệm trưởng ban Tài chính, trưởng phòng kế toán, bố trí phụ trách kế toán và chế độ phụ cấp trách nhiệm làm nhiệm vụ kế toán trưởng trong các đơn vị kế toán công đoàn; Tờ trình về chiến lược đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến vào các báo cáo: Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Báo cáo kết quả 2 năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp Công đoàn; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa XI) về “Công tác tài chính trong tình hình mới”; Tờ trình Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-ĐCT ngày 24/9/2010 của Đoàn Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam về tăng cường hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Công đoàn Việt Nam.
Trình bày Tờ trình báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 25/11/2021, theo báo cáo của các cấp Công đoàn, cả nước có hơn 111 nghìn F0 là công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố, có 490 trường hợp CNVCLĐ tử vong do Covid-19, hơn 148 nghìn CNVCLĐ là F1; hơn 269 nghìn CNVCLĐ là F2, F3; hơn 302 nghìn CNVCLĐ đang ở trong các khu vực phong tỏa/cách ly y tế, có hơn 500 trẻ em là con công nhân, lao động mồ côi do dịch Covid-19 .
Trong bối cảnh đó, đội ngũ CNVCLĐ đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; tích cực lao động, sản xuất tại những doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện trong điều kiện khó khăn thiếu thốn; nhiều đoàn viên, người lao động đã trở thành những chiến sĩ, tình nguyện viên nơi tuyến đầu, sát cánh cùng chính quyền, lực lượng chức năng tại cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” phục vụ phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người dân, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tiếp tục đạt kết quả, dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến hết tháng 10/2021, các cấp Công đoàn đã kết nạp mới 688.007 đoàn viên (đạt 114% chỉ tiêu), thành lập 2.903 công đoàn cơ sở trong đó có 1.107 công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.
Các cấp Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn phát động nhiều đợt thi đua, vận động công nhân, viên chức, lao động tích cực lao động sản xuất, lập thành tích chào mừng các sự kiện, ngày kỷ niệm lớn của đất nước đặc biệt là chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 135 năm Ngày quốc tế Lao động. Có khoảng 13.026 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi khoảng 52.380 tỷ đồng và 481.559 sáng kiến làm lợi 398.215 tỷ đồng của CNVCLĐ được áp dụng vào thực tiễn.
Góp ý vào Tờ trình báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho rằng: Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của tổ chức Công đoàn, Báo cáo cần nêu rõ thực trạng và những thách thức lớn về tình hình lao động - việc làm hiện nay, đó là: Công nhân lao động thu nhập còn thấp, không có tích lũy; số lượng công nhân lao động phải di cư về quê lớn; số lao động trong khu vực chính thức giảm, khu vực phi chính thức tăng; kỹ năng lao động của công nhân lao động còn hạn chế, dẫn đến năng suất lao động chưa cao…
Bên cạnh đó, làn sóng rút bảo hiểm xã hội 1 lần đang gia tăng trong công nhân lao động; tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội lớn, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và đảm bảo an sinh xã hội…
Nhấn mạnh bối cảnh chúng ta đang tiến tới thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị là xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, từ những vấn đề nêu trên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị, những vấn đề trên cần được nêu rõ trong Kế hoạch công tác năm 2022, đặc biệt cần nêu bật, làm rõ vai trò của tổ chức Công đoàn, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Trao đổi về nội dung này tại Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thử thách nhưng các cấp Công đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền đoàn viên, người lao động gắn bó, chia sẻ với doanh nghiệp; đồng hành với Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cán bộ công đoàn ngày đêm trăn trở, lăn lộn, chia sẻ với khó khăn của người lao động.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các cấp Công đoàn đã vượt khó, sáng tạo huy động đoàn viên, người lao động tình nguyện tham gia các hoạt động do công đoàn triển khai thực hiện… Qua đó, hình ảnh, vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn nổi bật, niềm tin của người lao động, của doanh nghiệp với công đoàn tăng lên.
Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời, phù hợp để chăm lo cho người lao động và hoàn thiện thể chế quản trị nội bộ, sớm đưa Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới vào cuộc sống. Từ đó, tạo cơ sở để Công đoàn hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của đoàn viên, người lao động.
Tiếp thu các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu bộ phận chuyên môn cần sớm hoàn thiện báo cáo, phải nêu bật những điểm mới, sáng tạo của hoạt động công đoàn, từ thích ứng, phương thức, cách làm, mô hình... Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những điểm chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình công tác trong năm 2022.
Bảo Duy