Thứ tư, 09/09/2020 15:31 GMT+7

Phát triển sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2

Chiều 07/9, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi làm việc cùng đại diện Bộ Y tế, các đơn vị sản xuất kit xét nghiệm nCoV, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia và nhà khoa học... để bàn về phát triển sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đề nghị các nhà khoa học và chuyên gia đề xuất các phương án xét nghiệm, đảm bảo việc không bỏ sót nguồn nhiễm nCoV lây ra cộng đồng khi Việt Nam mở cửa các đường bay quốc tế sắp tới.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 4 loại sinh phẩm, gồm 2 loại kit sử dụng kỹ thuật phát hiện kháng thể kháng SARS-CoV-2 trong máu của bệnh nhân Covid-19 và 2 loại dùng kỹ thuật phát hiện ARN của vi rút SARS-CoV-2 (KIT realtime RT-PCR và KIT RT-LAMP). Trong số này có 3 loại được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Ngoài ra đã có một số đơn vị trong nước nghiên cứu bước đầu về kỹ thuật phát hiện protein của Vi rút SARS-CoV-2 bằng KIT nhanh (KIT nhanh phát hiện kháng nguyên của vi rút SARS-CoV-2 - KIT kháng nguyên), đây loại sinh phẩm đã được một số nước sản xuất, được cấp phép sử dụng.

Các đơn vị sản xuất đều khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được test nhanh kháng nguyên phát hiện Covid-19. Mặc dù thời gian cho kết quả nhanh, tuy nhiên độ nhạy và độ đặc hiệu thấp hơn so với phương pháp RT-PCR nên khả năng “bỏ sót” cao. Cần phải phối hợp với các phương pháp xét nghiệm khác.

Các chuyên gia cho rằng, cho đến nay phương pháp realtime RT-PCR để phát hiện ARN của vi rút SARS-CoV-2 vẫn là phương pháp duy nhất có độ nhạy, độ đặc hiệu cao, ngưỡng phát hiện thấp (khả năng bỏ sót thấp nhất). Mặc dù phải sử dụng máy móc thiết bị, thời gian để thực hiện kỹ thuật dài hơn test nhanh nhưng nếu tổ chức tốt, có chiến lược xét nghiệm tốt thì hoàn toàn có thể triển khai xét nghiệm ngay tại sân bay, cửa khẩu đối với người nhập cảnh nhằm giảm tối đa nguy cơ “bỏ sót” đối với người nhập cảnh đồng thời có thể giảm chi phí xét nghiệm.

Theo GS.TS. Lê Bách Quang, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, việc quyết định sử dụng phương pháp nào thuộc về các nhà quản lý. Tuy nhiên ông mong muốn các đơn vị sản xuất trong nước cùng ngồi lại với nhau để xây dựng một sản phẩm mang tầm quốc gia đảm bảo đủ ba yếu tố (nhanh, rẻ, chính xác) chứ không của riêng doanh nghiệp nào.

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học công nghệ và Đào Tạo (Bộ Y tế) mong muốn các nhà khoa học, đơn vị sản xuất cùng tính toán lại để tạo ra kit thử tăng độ nhạy, độ đặc hiệu, đảm bảo sàng lọc không bỏ sót ca bệnh. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng quy trình chuẩn trong tình hình mới trình Chính phủ, đảm bảo thực hiện các xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm các ca nhiễm, nghi nhiễm, tránh lây lan cộng đồng.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, để phục vụ công tác phòng chống dịch, Bộ KH&CN sẵn sàng tiếp nhận các ý tưởng đề xuất từ các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, các ý kiến đóng góp sẽ được Bộ KH&CN, Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Chính phủ./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3703

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)